Gỡ khó cho các dự án BOT: Khắc phục tình trạng “ăn đong thể chế”

(BĐT) - Từ thực tế triển khai các dự án BOT thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu tham dự Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” diễn ra ngày 4/9/2019 tại Hà Nội đều cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BOT, cần phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ xây dựng thể chế minh bạch; chia sẻ rủi ro và đối xử bình đẳng với nhà đầu tư.
Các dự án BOT đã góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông và giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án BOT đã góp phần làm thay đổi bộ mặt giao thông và giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

“Nút thắt” vẫn là thể chế

Theo PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Việt Nam tuy mới đi vào thực hiện nhưng đã góp phần giải quyết được vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công, vấn đề về vốn trong đầu tư toàn xã hội. Tác động tích cực nhất của PPP là mở ra cơ hội, điều kiện huy động vốn của khu vực tư nhân vào đầu tư hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai các dự án PPP thời gian qua đã bộc lộ những vướng mắc về thể chế, chính sách. Các vấn đề nổi bật là công tác lựa chọn nhà đầu tư, công bố dự án, quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư, vấn đề chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư còn xảy ra nhiều xung đột mà chưa có chế tài khắc phục… Ngoài ra, vướng mắc về phương án tài chính, vay vốn tín dụng và đặc biệt là bất cập của các trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, mức phí dịch vụ đã gây ra nhiều xung đột và dẫn đến những đánh giá chưa thực sự khách quan về các dự án BOT đã hoàn thành.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thực tiễn triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông như hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, mở rộng hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng… cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, Tập đoàn đã phải đối mặt với rất nhiều bất cập, rào cản, vướng mắc từ cơ chế chính sách. Hiện nay, chính sách của Nhà nước với PPP vẫn chưa nhất quán, mới dừng ở cấp nghị định nên khi thực hiện có nhiều vướng mắc với các luật chuyên ngành. Điều này dẫn đến trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy phép đầu tư, ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà thầu xây lắp, quản lý thi công, quyết toán dự án… có nhiều quan điểm khác nhau, khó giải trình trong quá trình thanh, kiểm tra về sau. Hơn nữa, việc thường xuyên thay đổi chính sách đầu tư BOT theo hướng quản lý như đối với vốn ngân sách nhà nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dự án, không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn nhận khách quan về BOT

PGS. TS. Nguyễn Chí Thành, chuyên gia về cầu đường cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của các dự án BOT trong việc làm thay đổi bộ mặt giao thông trên phạm vi cả nước. Nhưng thực tế triển khai của các dự án BOT cũng bộc lộ không ít tồn tại và bất cập với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu minh bạch trong việc công khai quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, trong chế độ, quy định, ký kết hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, trong thanh tra, kiểm tra… Việc bức xúc, phản ứng, chống đối của một bộ phận người dân về giá vé, vị trí, mật độ đặt trạm thu phí… là hệ lụy của sự thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư BOT tâm huyết, nghiêm túc với loại hình đầu tư này và cần phải có cái nhìn công bằng, khách quan đối với họ. “Theo tôi, việc làm cấp thiết hiện nay là phải có giải pháp căn cơ, tổng thể và toàn diện để tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho đầu tư PPP để loại hình đầu tư này “bình yên” và phát triển”, ông Thành khuyến nghị.

Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến cũng chia sẻ với nhà đầu tư về những bất cập khi Nhà nước thường xuyên có những điều chỉnh quy định liên quan đến BOT, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện và vận hành dự án. Trong quá trình giải quyết những tồn tại, bất cập của dự án BOT thì ít thấy “bóng dáng” của cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương, nhà tài trợ tín dụng…, mà tất cả đều “đẩy” cho nhà đầu tư phải gánh chịu.

Nhiều đại biểu cho rằng, để không phải “ăn đong về mặt thể chế” như thời gian qua, giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập cho dự án BOT thì cần sớm ban hành Luật PPP - một đạo luật đủ tầm, đúng quy mô để giải quyết một cách đồng bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác công trình BOT.

Chuyên đề