Gỡ khó cho 2 dự án trọng điểm ngành giao thông

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai 2 dự án cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất và Long Thành. 
Để nâng cao công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Ảnh: Tường Lâm
Để nâng cao công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Ảnh: Tường Lâm

Các giải pháp này được xem là rất cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hết sức eo hẹp, cần huy động vốn xã hội hóa để thực hiện 2 dự án trọng điểm ngành giao thông.

Chỉ định thầu tư vấn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Đối với việc đầu tư mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã nhận bàn giao 21 ha đất quốc phòng theo quy hoạch được duyệt và đang tích cực triển khai dự án để mở rộng sân đỗ tại CHKQT Tân Sơn Nhất. Dự kiến, việc mở rộng sân đỗ này sẽ hoàn thành trước Tết năm 2018.

Theo Bộ GTVT, để nâng cao công suất khai thác của CHKQT Tân Sơn Nhất trong điều kiện CHKQT này chỉ có 2 đường cất, hạ cánh phụ thuộc cách nhau 365m cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ, bổ sung nhà ga. Đặc biệt, trong trường hợp muốn tăng công suất lên trên 45 triệu hành khách/năm thì bắt buộc phải xây thêm đường cất, hạ cánh số 3.

Để mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, hiện Bộ GTVT đã giao tư vấn lập 7 phương án quy hoạch, trong đó có 4 phương án quy hoạch liên quan đến đất sân golf. Qua kết quả nghiên cứu, mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất phương án khả thi giải quyết nhanh nhất tình trạng cấp bách tại CHKQT này. Theo đó, phải đầu tư bổ sung đường lăn song song, đường lăn nối và xây dựng mới nhà ga T4, tuy nhiên sẽ không sử dụng đất sân golf và không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư. Theo tính toán, khả năng huy động vốn xã hội hóa theo phương án đầu tư này rất cao, trong khi kinh phí thực hiện lại thấp nhất. Với phương án này, diện tích đất quốc phòng phải chuyển đổi cũng ít nhất (14,52 ha), đáp ứng yêu cầu khai thác 43 - 45 triệu hành khách/năm và phù hợp tiến độ đầu tư CHKQT Long Thành. Vì vậy, trong trường hợp quy hoạch này được duyệt, Bộ GTVT cho biết sẽ triển khai ngay các dự án thành phần (xây dựng nhà ga T4, xây dựng đường lăn song song, đường lăn nối…), phấn đấu hoàn thành các dự án này trong 2 - 3 năm tới.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tính khách quan, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chuẩn bị lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu đề xuất phương án mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, chưa thể cân đối và bố trí ngay cho việc thuê tư vấn nước ngoài cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn. 

Trình hồ sơ Dự án sân bay Long Thành trong tháng 8

Dự án CHKQT Long Thành được xác định là dự án trọng điểm của ngành GTVT thời gian tới. Phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã dành 5.000 tỷ đồng của giai đoạn này để giải phóng mặt bằng cho Dự án.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã tổ chức thi tuyển, xin ý kiến cộng đồng dân cư, thành lập Tổ tư vấn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc Dự án CHKQT Long Thành. Bộ cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét quyết định để Bộ có cơ sở chỉ đạo chủ đầu tư cập nhật hồ sơ mời thầu đấu thầu tư vấn quốc tế lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Ngày 19/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tách Dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHKQT Long Thành, trong đó yêu cầu trình Quốc hội báo cáo khả thi Dự án thành phần tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10/2017. Triển khai Nghị quyết, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành để chậm nhất vào tháng 8/2017, UBND tỉnh Đồng Nai phải trình hồ sơ Dự án làm cơ sở để các bộ, ngành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Theo Bộ GTVT, khó khăn nhất hiện nay đối với Dự án CHKQT Long Thành là vấn đề nguồn vốn. Vì vậy, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn còn thiếu từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí cho Dự án.

Chuyên đề