Giải phóng mặt bằng Dự án Sân bay Long Thành: Ngân sách nhà nước là vốn mồi

(BĐT) - Để làm rõ nguồn vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa cho biết, khi thực hiện ở giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB) thì không thể huy động nguồn vốn ODA và tư nhân, mà chỉ có thể từ ngân sách nhà nước.
Nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 23.000 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 23.000 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Đây sẽ là nguồn vốn góp của Nhà nước trong cơ cấu vốn hợp đồng PPP kêu gọi đầu tư vào sân bay Long Thành.

Băn khoăn bài toán nguồn vốn

Thảo luận tại Hội trường chiều ngày 7/6 về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Sân bay Long Thành, rất nhiều ý kiến các đại biểu đều bày tỏ sự đồng thuận để Dự án Sân bay Long Thành có thể kịp tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về nguồn vốn trên 23.000 tỷ đồng cho công tác này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất nên GPMB 1 lần cho toàn bộ dự án vì xuất phát từ thực tiễn thời gian qua việc GPMB nhiều lần, mỗi lần giá cả đền bù lại khác nhau, dẫn tới phát sinh khiếu nại, tố cáo. “Tuy nhiên, đây là phương án không khả thi vì tiền GPMB là của Chính phủ, mà vốn trung hạn đã thông qua chỉ là 5.000 tỷ đồng trong khi cần đến 23.000 tỷ đồng. Trong điều kiện nền kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công tăng cao, để thực hiện thì Chính phủ phải có giải trình về việc nguồn ngân sách lấy từ đâu và đáp ứng như thế nào?” – đại biểu Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng bày tỏ băn khoăn, nếu thu hồi đất 1 lần mà Dự án mới triển khai giai đoạn 1 (theo lộ trình thì giai đoạn 2 nếu triển khai nhanh cũng phải mất từ 5 - 10 năm, còn chậm thì từ 10 - 15 năm), thì việc thu hồi liệu có lãng phí, việc tái lấn chiếm của người dân liệu có ngăn chặn được? Từ băn khoăn này, ông Phương cảnh báo, nếu không lường trước được những khó khăn, vướng mắc thì Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này khi ban hành lại trở thành lực cản cho tiến độ Dự án Sân bay Long Thành, đồng thời gây lãng phí, phản ứng trong người dân. 

Tiết kiệm chi thường xuyên, chống thất thoát đầu tư công

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận để Dự án Sân bay Long Thành có thể kịp tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Tranh luận tại Hội trường về nguồn vốn cho dự án thành phần, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho biết, có thể thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

Ông Chính phân tích, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nhận thấy, biên chế không giảm mà lại tăng và làm chi tiêu thường xuyên tăng. Tính theo con số tương đối là tăng 62,3% năm 2015; 65,7% năm 2016 và dự kiến năm 2017 là 64,9%. Nếu tính tăng theo con số tuyệt đối thì năm 2016 so với năm 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 so với năm 2015 là 114.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng 2017 nếu tiết kiệm chi 1% thì đã có trên 10.000 tỷ đồng; năm 2018 tiếp tục tiết kiệm 1% nữa, cả 2 năm sẽ có trên 20.000 tỷ đồng. “Muốn làm việc này phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39, chứ nếu không cứ loay hoay mãi” – ông Chính nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm của đại biểu Chính, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, ngoài việc thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thì vấn đề quan trọng là phải tránh thất thoát trong đầu tư công. “Lâu nay, chúng ta vẫn nói trong đầu tư công có thất thoát 30% và điều này được chứng minh trong các vụ án. Do đó, tôi đề nghị nếu chống thất thoát được 30% này thì sẽ có nguồn vốn không nhỏ cho dự án. Chính phủ cần quyết tâm và có cam kết với Quốc hội trong vấn đề này” – ông Hồng đề nghị.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thông tin, hiện nay, việc đầu tư các nhà ga, sân bay đang được nhiều nhà đầu tư hết sức quan tâm. Nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ cho APEC hoàn toàn do tư nhân làm, Sân bay Tân Sơn Nhất với việc đầu tư nhà ga T4 đang có 3 - 4 nhà đầu tư quan tâm; hay Sân bay Vân Đồn cũng được đầu tư toàn bộ bằng vốn tư nhân. Do đó, định hướng kêu gọi đầu tư vào sân bay Long Thành là kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Với mức trần nợ công hiện nay, để đầu tư từ nguồn ngân sách cho Sân bay Long Thành là hết sức khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, để kêu gọi nhà đầu tư thì phải có sự chuẩn bị nhất định. Tất cả nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho giai đoạn GPMB sẽ là nguồn vốn góp của Nhà nước trong cơ cấu vốn hợp đồng PPP tới đây.

Bộ trưởng Nghĩa phân tích, nguồn vốn cho GPMB giai đoạn 1 của Dự án là 23.000/114.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, toàn bộ dự án có tới 3 giai đoạn, giai đoạn cuối tổng mức đầu tư khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu so sánh với tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án thì tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong khâu GPMB là thấp. Từ phân tích này, ông Nghĩa mong Quốc hội cân nhắc, tạo điều kiện sắp xếp nguồn vốn cho GPMB để kêu gọi đầu tư thành công cho giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành.

Chuyên đề