Giải pháp nâng cao hiệu quả dự án PPP

(BĐT) - Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ công, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đang là một xu thế tất yếu. 
Đại diện Vietcombank ký kết thoả thuận với Sở KH&ĐT TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án PPP
Đại diện Vietcombank ký kết thoả thuận với Sở KH&ĐT TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án PPP

Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, nhưng hình thức đầu tư PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Vướng mắc trong cho vay vốn triển khai dự án PPP

Tại Hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng được tổ chức tại TP.HCM mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, về đầu tư theo hình thức PPP, tính đến tháng 9/2017, TP.HCM có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư khoảng 71.127 tỷ đồng. 130 dự án khác đang được TP.HCM tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.

Đánh giá về việc triển khai các dự án PPP, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc về vay vốn, hỗ trợ đầu tư từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15 - 20%, nguồn vốn cần huy động từ các ngân hàng, TCTD ước cần khoảng từ 80 - 85% tổng vốn đầu tư. Như vậy, có thể thấy nguồn lực của các dự án đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của dự án.

Trong khi đó, theo đánh giá chung từ phía các TCTD thì các tài sản bảo đảm dự án chủ yếu là hình thành từ vốn vay dẫn đến khó định giá, mất thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu do chậm tiến độ, khó thu hồi vốn. Các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án trung bình khoảng từ 15 - 20 năm, chưa phù hợp với chính sách cho vay thường là vốn ngắn hạn.

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế giám sát, phối hợp 3 bên (giữa nhà đầu tư, các ngân hàng, TCTD và cơ quan quản lý nhà nước) dẫn đến không bảo đảm bên cho vay kiểm soát được tính xác thực, khả thi trong quá trình vận hành dự án như kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận, nhằm kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án.

Ngoài ra, theo đánh giá chung hiện nay, lãi suất cho vay trung bình đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP từ phía các ngân hàng, TCTD là cao hơn so với lãi suất vốn vay của Bộ Tài chính, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư trong việc xác định phương án tài chính dự án, tính khả thi triển khai dự án. 

Giải pháp thu hút vốn thông qua hình thức PPP

Theo đại diện Sở KH&ĐT (TP.HCM), để phát huy hơn nữa lợi thế và tiềm năng của Thành phố trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công, cần đẩy mạnh, tăng cường hợp tác 3 bên: giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, TCTD; xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành dịch vụ chủ yếu. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức PPP bằng các biện pháp như: thường xuyên nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo lợi ích, thu hút nhà đầu tư, phù hợp theo thông lệ và xu thế quốc tế nhưng vẫn đảm bảo phù hợp cơ sở pháp lý; đẩy mạnh công tác cải cách về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...

Vietcombank hiện là ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Sở KH&ĐT TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án PPP, giúp Sở KH&ĐT có sự đánh giá chi tiết về tính khả thi của dự án.

Tại Hội nghị, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Ngoài vướng mắc về pháp lý do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định, các vướng mắc còn lại liên quan đến nguồn vốn và năng lực của chủ đầu tư.

Cụ thể, theo đại diện Vietcombank, hiện nay, các TCTD trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế. Năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng còn nhiều bất cập, thực tế hầu hết các dự án BOT giao thông thời gian qua đều được chỉ định thầu, việc này đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

“Để thành công trong các dự án PPP, bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng để cùng vượt qua khó khăn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia các dự án PPP, những lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam”, ông Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.             

Chuyên đề