Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới đạt 67,6% dự toán

(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán).
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm. Ảnh: Internet
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm. Ảnh: Internet

Cũng theo cơ quan này, đến hết 31/12/2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán (trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP).

Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi NSNN).

Ngân sách trung ương đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Xuất cấp trên 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 40,4% dự toán.

Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP); nợ công dưới 61% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.

Chuyên đề