Giải ngân vốn đầu tư công đang tăng tốc

(BĐT) - Với những diễn biến tích cực của bức tranh kinh tế gần 9 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt trên 90%, cao hơn so với năm 2017.
Ước giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi
Ước giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi

Tín hiệu tốt về giải ngân

Theo Bộ KH&ĐT, ước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 48,63% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 27,02% kế hoạch), cao hơn cùng kỳ năm 2017 (38,4%). Trên cơ sở đó, ước giải ngân năm nay đạt trên 90%.

Trước đó (tháng 7/2018), Bộ Tài chính cho biết, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, bằng 37,64% so với kế hoạch Quốc hội giao và 38,77% so với kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 33,42% kế hoạch Quốc hội giao và 38,66% kế hoạch Thủ tướng giao).

Ông Trần Quốc Phương, Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, tốc độ giải ngân trên 45% là một sự cải thiện so với trước đây, nhất là năm 2017.  Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng đối với việc giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2018 cho các chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý và giám sát việc triển khai thực hiện. Cùng với đó là quá trình hoàn thiện thể chế và sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư công, nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công. “Tổng hòa các yếu tố này, chúng tôi kỳ vọng từ nay tới cuối năm tiến độ giải ngân vốn sẽ có những cải thiện mạnh mẽ hơn”, ông Phương nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm nay có nhiều cải thiện hơn so với năm ngoái. Hiện các đơn vị triển khai thực thi các quy định pháp luật mới về đầu tư công đã vào guồng, khiến việc giải ngân tốt hơn. 

Chú trọng gỡ vướng

Dù đã có những tín hiệu mới, nhưng Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn còn chậm so với yêu cầu. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Đầu tư công ra đời có ý nghĩa quan trọng, khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, nợ đọng cơ bản cao…, song còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta mới thực hiện được ½ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Những tồn tại này là do lần đầu tiên chúng ta thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công 5 năm thay vì hàng năm như trước đây. “Thế nên, những gì là vướng mắc, chưa rõ, chưa hiểu, chưa quen khi thực hiện gây ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nếu do Luật Đầu tư công thì trong lần sửa đổi Luật sẽ phải được khắc phục triệt để”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 được giao, tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và một số nội dung trọng tâm của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, Bộ KH&ĐT đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp. Trước tiên là hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Với các bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT đề nghị tập trung thực hiện 3 giải pháp chính. Đó là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2018.

Hai là, chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thi công nghiêm túc triển khai thi công công trình, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch trong năm 2018, báo cáo cấp có thẩm quyền để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chuyển cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tư công vẫn và sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm thêm nhiều nguồn lực cho đầu tư công thì việc sử dụng hiệu quả hơn từng đồng thuế của người dân, đặc biệt là trong đầu tư, là rất cần thiết. “Quản lý đầu tư công cần được đổi mới theo hướng quản lý hiệu quả hơn là quản lý bằng thủ tục, bằng quy trình để lựa chọn được dự án đầu tư tốt nhất”, TS. Nguyễn Đình Cung gợi ý.

Chuyên đề