Giải ngân FDI tiếp tục đà tăng mạnh

(BĐT) - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2016, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều chuyên gia dự báo, lượng FDI giải ngân trong cả năm nay có thể đạt tới 16,5 tỷ USD.
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần giúp lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng ổn định. Ảnh: Tường Lâm
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần giúp lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng ổn định. Ảnh: Tường Lâm

Gia tăng niềm tin của nhà đầu tư

Tính từ năm 2010 đến nay, vốn FDI giải ngân 11 tháng liên tục tăng qua các năm, từ mức 9,95 tỷ USD năm 2010 lên tới 14,3 tỷ USD năm 2016 (trừ năm 2012 giảm nhẹ).

Không bất ngờ về nguồn vốn giải ngân FDI tăng trưởng mạnh trong 11 tháng, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét, đó là kết quả của cả quá trình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, xu hướng tăng vốn, mở rộng dự án của nhà đầu tư vẫn tiếp tục ổn định. Số vốn giải ngân và số vốn điều chỉnh tăng thêm là hai con số gắn chặt với nhau. Điều này nói lên lòng tin dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Riêng năm nay, sau một thời gian dài chúng ta chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng chuyển sang chất lượng, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch..., Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Từ đó, góp phần làm cho dòng vốn FDI vào Việt Nam phát triển ổn định, thậm chí có bước đột phá.

Còn đối với số vốn FDI đăng ký, theo ông Đặng Xuân Quang, mặc dù 11 tháng năm 2016 chỉ đạt 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015, con số này không đáng lo ngại. Sự biến động của con số này mang tính thời điểm, là phản ứng trong ngắn hạn trước những tác động khác nhau. Một khi nhà đầu tư đã có dự án đầu tư vào Việt Nam thì họ đã xác định đầu tư dài hạn. Sự tăng trưởng ổn định thể hiện ở hai con số giải ngân và vốn bổ sung tăng thêm.

GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: “Vốn đăng ký chỉ là một con số cần phải theo dõi để tham khảo thôi, quan trọng hơn là vốn thực hiện. Năm nay có Dự án Lọc dầu Nhơn Hội trị giá 22 tỷ USD, nếu được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì vốn đăng ký có thể tăng lên thành 40 tỷ USD. Không phải bao nhiêu vốn đăng ký cũng có thể giải ngân được, mà phụ thuộc vào quy mô và sự hấp thụ của nền kinh tế”. 

Vốn FDI giải ngân trong năm 2016 có thể đạt 16,5 tỷ USD

Tính từ năm 2010 đến nay, vốn FDI giải ngân 11 tháng liên tục tăng qua các năm, từ mức 9,95 tỷ USD năm 2010 lên tới 14,3 tỷ USD năm 2016 (trừ năm 2012 giảm nhẹ).
Dự báo về kết quả giải ngân FDI cả năm 2016, ông Đặng Xuân Quang cho rằng, 15 tỷ USD là trong tầm tay. Nếu tiến độ các dự án được đẩy nhanh thì có thể đạt tới 16 tỷ USD. Còn theo GS. TS. Nguyễn Mại, năm nay giải ngân FDI có khả năng đạt 16 tỷ USD, tức là tăng 10%, thậm chí là có thể lên tới 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chất lượng thu hút dự án FDI.

Các dự án của LG tại Hải Phòng, Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM giải ngân đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng hơn 2 tỷ USD... Đây là những dự án quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra còn phải kể đến những dự án có quy mô nhỏ. Những đóng góp của các dự án đã và sắp được đưa vào hoạt động là rất quan trọng, như dự án sản xuất máy giặt, máy lạnh, ti vi màn hình phẳng LG tại Hải Phòng, Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM... Giá trị gia tăng của các dự án này tăng cao hơn rất nhiều, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường, giúp giá trị xuất khẩu tăng lên. Đặc biệt, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có khả năng đi vào hoạt động năm 2017, sẽ là dự án quan trọng, tạo ra những nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ, giảm nhập khẩu, cân bằng xuất nhập khẩu.

“Theo tôi, đầu tư nước ngoài chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là vừa. Năm nay, vốn giải ngân đạt từ 16 - 16,5 tỷ USD là quá tốt và đến năm 2020, vốn thực hiện đạt khoảng 20 tỷ USD là có thể đạt được. Điều cần quan tâm chú trọng là lựa chọn được dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam đặt ra như ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...” - GS. TS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Chuyên đề