Giá thép tăng là vô lý

(BĐT) - Trước hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) đầu cơ, găm hàng tích trữ đẩy giá bán thép lên cao khiến thị trường thép náo loạn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, đây là lúc cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan nhà nước để bình ổn thị trường thép, tránh để xảy ra các tác động dây chuyền tiêu cực. Trà Giang thực hiện
Cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan nhà nước để bình ổn thị trường thép. Ảnh: Nhã Chi
Cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan nhà nước để bình ổn thị trường thép. Ảnh: Nhã Chi

Trong những ngày gần đây, giá thép tăng đột biến khiến thị trường thép rơi vào tình trạng bất ổn. Theo ông, liệu đây có phải là hệ lụy từ việc ban hành Quyết định áp thuế tự vệ mới đây của Bộ Công Thương đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu?

Việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép nhập khẩu thực tế là nhằm bảo hộ tạm thời các DN trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành đủ để đứng vững và cạnh tranh được với thép nhập khẩu. Đây là mục tiêu hợp lý để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, và cũng theo đúng với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc nhiều DN sản xuất thép, thậm chí trong đó có cả các DN đứng nguyên đơn yêu cầu tăng thuế đối với phôi thép nhập khẩu lại tranh thủ cơ hội này để tăng giá bán mới là nguyên nhân khiến thị trường thép rơi vào tình trạng náo loạn như vừa qua. 

Như vậy, rõ ràng là có tình trạng DN cố tình đầu cơ găm hàng tích trữ để đẩy giá bán lên cao nhằm trục lợi kiếm lời từ việc tăng thuế?

Hiện nay cung hoàn toàn không thiếu, quyết định giá là cung cầu, tại sao cung cầu ổn định mà giá lại tăng? Trong nước cung thừa đủ đảm bảo cầu, việc giá tăng là không hợp lý, do đó không thể nói là không có hiện tượng đầu cơ găm hàng trục lợi. Đây là thái độ không tích cực của các DN, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội và người tiêu dùng nếu không muốn nói một số còn là kẻ cơ hội và trục lợi. Áp dụng thuế tự vệ là biện pháp bất đắc dĩ để bảo hộ sản xuất trong nước, mục đích là nhằm bảo vệ và hỗ trợ các DN nội địa trong một giai đoạn tạm thời nhất định để có điều kiện khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành để có thể đứng vững trên thị trường và cạnh tranh được trong hội nhập. Vậy mà nhiều DN đã được bảo hộ rồi lại ỷ lại, cố tình không nhận thức đúng mục tiêu này, lại tranh thủ cơ hội tăng giá, “đục nước béo cò” là điều không thể chấp nhận được.

Giá thép tăng là vô lý ảnh 1
Ông Ngô Trí Long
Bộ Công Thương vừa lên tiếng khẳng định, việc tăng giá sẽ sớm chấm dứt do hiện nay lượng thép tồn kho còn nhiều và năng lực sản xuất của các DN thép trong nước mới chỉ đang vận hành khoảng 50% công suất, thừa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo ông, điều này có khả thi? 

Tình trạng tăng giá có thể chấm dứt sớm hay kéo dài trong bối cảnh này phụ thuộc vào sự can thiệp, vào cuộc kịp thời của cơ quan nhà nước. Cần phải hiểu rằng, đối với DN, mục tiêu lợi nhuận là cao nhất nên một số DN sẽ không loại trừ cơ hội nào để tranh thủ kiếm lợi. Vì vậy, vai trò can thiệp của Nhà nước lúc này là hết sức cần thiết để bình ổn thị trường, ổn định giá thép, tránh tác động tiêu cực dây chuyền tới các lĩnh vực liên quan như xây dựng, bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. Cụ thể, các cơ quan chức năng bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan phải vào cuộc ngay lúc này để thể hiện vai trò của mình thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường. Nếu phát hiện DN nào có dấu hiệu tăng giá trục lợi thì cần phạt thật nặng và truy thu để làm gương cho các DN khác.

Như ông vừa nói, giá thép tăng đột biến sẽ gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực liên quan như xây dựng, bất động sản (BĐS). Ông đánh giá thế nào về các tác động này?

Mặt hàng thép là yếu tố ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng. Thép là đầu vào quan trọng, chiếm tới 20% giá trị công trình. Do đó, nếu đầu vào tăng thì chắc chắn giá BĐS cũng sẽ tăng. Thị trường này vừa qua bị đóng băng trong thời gian dài, nay vừa phục hồi, nếu bị cú sốc này cộng với ảnh hưởng bị thắt hầu bao do Ngân hàng Nhà nước thực hiện Thông tư 36 thì sẽ phải chịu tác động khá lớn do giá BĐS tăng, thậm chí có thể rơi vào tình trạng ảm đạm trở lại nếu cơ quan nhà nước không có biện pháp bình ổn thị trường thép hữu hiệu. Tác động này còn kéo theo ảnh hưởng tới lợi ích của người dân khi phải mua BĐS giá cao, trong khi nhu cầu nhà ở đang tăng, gây khó khăn về giải quyết công ăn việc làm. Mặt khác, thị trường thép lại liên quan đến lĩnh vực khác nữa như lĩnh vực xây dựng, nội thất..., nên nếu kéo dài tình trạng tăng giá sẽ gây phản ứng dây chuyền, do đó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung.

Chuyên đề