Gập ghềnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp

(BĐT) - Tốc độ tăng trưởng sản xuất trong 4 tháng gần đây nhất đã chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái. Chặng đường gập ghềnh phía trước đòi hỏi các ngành công nghiệp cần có định hướng đúng.
Ảnh minh họa. Nguồn Intenet
Ảnh minh họa. Nguồn Intenet

Khó khăn dần bộc lộ

Số liệu công bố mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so với năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2015. Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này Bộ Công Thương cho biết phần lớn do ngành khai khoáng tiếp tục giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tiêu thụ của ngành thấp hơn so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến sản xuất tăng trưởng không cao.

Có thể chỉ ra một số ngành, sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất chỉ tăng 2,3%; phân đạm urê tăng 1%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3%; xăng dầu các loại giảm 2,9%; điện thoại di động giảm 10%...

Đáng chú ý, theo thống kê, trong 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước chỉ đạt 0,9 tỷ USD, giảm đến 44,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, than đá giảm tới 91,4%, dầu thô giảm đến 52,1%.

Tác động từ việc suy giảm giá dầu đã ảnh hưởng mạnh đến các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 6 triệu tấn, giảm 1,9%; sản lượng xăng dầu ước đạt 2.246,5 nghìn tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sản lượng than tiêu thụ 4 tháng gần đây nhất ước đạt 11,5 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực sản xuất phân đạm urê cũng có tốc độ tăng trưởng rất thấp khi tính chung 4 tháng qua, ước sản lượng đạt 725,4 nghìn tấn, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ. Riêng phân NPK ước đạt 706,4 nghìn tấn, giảm đến 6,5%.

Cần chính sách bảo vệ thị trường

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm như hiện nay, nhất là các lĩnh vực chủ lực, giới chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Việc đánh giá này cần thể hiện qua các tiêu chí: Lực lượng doanh nghiệp (DN) và năng lực cạnh tranh của DN về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để cập nhật lại chiến lược đã được soạn thảo. Việc làm này rất cần  thiết nhằm đưa ra những chính sách thống nhất với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp điều hành năng động, hiệu quả; phân bổ các nguồn lực, nhất là nguồn tài chính của toàn xã hội vào những ngành công nghiệp có tác dụng đóng góp lớn và lâu dài cho nền kinh tế.

Chẳng hạn để tận dụng TPP, theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng, lợi thế và tạo điều kiện cho DN tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Việc xây dựng các chính sách cần thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành công nghiệp thông qua nâng cấp công nghệ, hợp tác dài hạn đối với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải, đề nghị, đối với những ngành công nghiệp là động lực phát triển các ngành công nghiệp khác và các ngành công nghiệp mũi nhọn thì cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập và lộ trình hợp lý nhằm thu hút các nhà công nghiệp nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam.                

Chuyên đề