Gánh nặng chi phí logistics là rào cản của nền kinh tế

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị  toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương tổ chức ngày 16-4 tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, vấn đề logistic ở Việt Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và một số  bộ ngành triển khai trong mục tiêu quốc gia. Nhưng khái niệm, cách tổ chức thực hiện, phối hợp xử lý còn rời rạc, chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao.

Theo Thủ tướng, dịch vụ logistics không mới nhưng cách thực hiện và hiểu biết còn chưa đầy đủ. Đây là vấn đề chuyên ngành nhưng ít người hiểu biết đầy đủ. “Chỉ mới tổ chức vận tải đơn tuyến, chỉ có mỗi đường bộ là chủ yếu, thiếu biện pháp kết nối tổng hợp để phát huy hiệu quả. 45% xe chạy chiều về  không chở hàng, làm sao chi phí không cao”- Thủ tướng dẫn chứng về việc thiếu kết nối vận tải.

Thủ tướng khẳng định logistic có vai trò to lớn đối với nền  kinh tế Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên phát triển. Chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh để làm logistics nhưng nếu chúng ta không làm thì các nước sẽ làm.

Thủ tướng nhấn mạnh, chức năng của logistics không chỉ giao nhận vận tải, kết nối kho bãi mà  xử lý, đóng gói, phân phối hàng hóa... Ngành giao thông vận tải, công thương phải làm tốt  vấn đề này để hạn chế chi phí kho bãi, nâng cao khả năng cạnh tranh. “Ông Benjamin Franklin - một trong những người thành lập nước Hoa Kỳ có nói: Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn. Nếu chi phí logistic lớn sẽ khiến cạnh tranh của chúng ta xuống thấp. Vì vậy,  phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó chi phí logistics cao đang là gánh nặng ảnh hưởng đến cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Việc đầu tư xây dựng phương thức vận tải thiếu đồng bộ, kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Chúng ta vận chuyển 90% là đường bộ, còn lại các loại hình khác chỉ 10%. Sự rời rạc này làm cho nền kinh tế có  chi phí cao. Con số của Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đưa ra là chi  phí logistics Việt Nam tương đương  20,9% GDP là  gấp đôi so với các  nền kinh tế phát triển”- Thủ tướng nhận định.

Quang cảnh hội nghị

Để cắt giảm chi phí logistics, Thủ tướng cho rằng phải có sự xắn tay của Nhà nước. Hội nghị cần tập trung vào giải pháp có thể thực thi hiện quả, kịp thời với nền kinh tế nước ta về dịch vụ logistics, thảo luận làm rõ quy định pháp luật đã đầy đủ chưa,

Thứ  hai là hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy logistics còn những gì cản trở, cần điều chỉnh, bổ sung. “Ai đứng ra chỉ huy làm việc này? Địa hình Việt Nam cũng trải dài như Nhật Bản thì phải xử lý như thế nào? Các trung tâm logistics, cảng trung chuyển hàng hóa làm sao phát huy tiềm năng lợi thế, để nâng cao hiệu quả kết nối trong cùng một khu vực?” Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thứ ba tăng tính kết nối của các loại hình vận tải. Theo Thủ tướng, chi phí vận tải đường thủy, đường sắt đang chiếm thị phần  rất thấp, chủ yếu vẫn vận chuyển đường bộ gây ùn tắc, tai nạn giao thông. “Tồn tại này rất lớn các cấp, các ngành phải quán triệt, tập trung vào những giải pháp để phát triển dịch vụ quan trọng này, hướng đến mục tiêu quan trọng là giảm chi phí. Nếu không giảm được thì nền kinh tế không  cạnh tranh được.”

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân  hàng  năm  của  ngành  logistics  Việt  Nam  khoảng  14-16%,  là  một  trong những  ngành  dịch  vụ tăng  trưởng đều  và  vững  chắc  của  Việt  Nam  trong  thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức  cao. Theo  nghiên  cứu  của  Ngân hàng thế giới,  chi  phí  logistics  của  Việt  Nam  tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do  vậy,  việc  cắt  giảm  chi  phí  logistics  nói  chung  và  chi  phí  vận  tải  nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.

Chuyên đề