FDI - chất xúc tác thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

(BĐT) - Trong 30 năm qua, cùng với việc giải ngân các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số ngành, sản phẩm mới đã được hình thành, tạo ra sự đa dạng của nền kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các nhà đầu tư Singapore với các khu công nghiệp VSIP giúp Việt Nam tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp. Ảnh: Quang Tuấn
Các nhà đầu tư Singapore với các khu công nghiệp VSIP giúp Việt Nam tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp. Ảnh: Quang Tuấn

Dịch vụ, công nghiệp đảo chiều đi lên

Nhìn lại bức tranh nền kinh tế vào năm 1986, Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sử dụng máy móc thiết bị lạc hậu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khi đó nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,1%, tiếp đến là dịch vụ với 33%, công nghiệp chỉ chiếm 28,9%. Trong đó, ngành công nghiệp chủ yếu phát triển ở lĩnh vực khai khoáng, điện, giấy... Nhưng đến năm 2017, diện mạo nền kinh tế đã có sự thay đổi toàn diện, khu vực dịch vụ đảo chiều, chiếm tỷ trọng cao nhất (41,3%); công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ còn chiếm 15,34%.

Để đạt được kết quả này, nhiều chuyên gia khẳng định, không thể không nhắc đến vai trò của khu vực FDI, được xem như chất xúc tác thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, với tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng lên đáng kể.

Đánh giá về vai trò này của FDI, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, xuất phát từ một nền kinh tế đóng cửa và không hội nhập với thế giới, FDI vào Việt Nam đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn đầu, mang tính chất nền tảng. Khu vực FDI đã tạo ra những sản phẩm, công nghệ mới, và đặc biệt là cách quản lý mới.

FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc đã hình thành nên khu vực sản xuất chế biến, chế tạo của Việt Nam với những tên tuổi như Honda, Toyota, Samsung...

Các nhà đầu tư Singapore thì hoạt động nhiều trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, giúp Việt Nam tạo dựng nên môi trường và kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp. Nhiều dự án FDI xây dựng khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Ciputra Hà Nội hoặc các dự án của Vinacapital... đã tạo nguồn cung nhà ở cao cấp cho nhiều thành phố lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

Ngoài ra, vốn FDI của Singapore, Đài Loan… còn “chảy” vào các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam, góp phần phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Khu vực FDI đã tạo ra được những hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt là về phương thức quản lý, tác phong làm việc, cách nhìn và tiếp cận sản phẩm. Thông qua việc học hỏi từ khu vực FDI, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu biết làm những sản phẩm mới, biết đi ra thế giới.

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu sẽ thấy sự thay đổi rõ nét. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản, khoáng sản (quặng, dầu...)... ít qua chế biến, đến nay, lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 80% trong cơ cấu xuất khẩu.

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, chính khu vực FDI đã giúp khai phá tiềm năng về nguồn lực cảng biển, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt của hệ thống cảng biển Việt Nam. FDI đã thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển đến Việt Nam như: Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA-CGM... Sự ra đời các cảng biển liên doanh (bến khởi động 1, 2 và 3 của cảng Lạch Huyện), cùng với cảng đầu tư từ nguồn vốn ODA (Cái Lân, Tiên Sa, Cái Mép - Thị Vải)... đã tạo nên nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải, khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.

Thực tế cho thấy, nhờ các dự án FDI, nhiều địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... đã “thay da đổi thịt”, chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và có bước phát triển vượt bậc. 

Kỳ vọng FDI tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế

Mặc dù FDI đã có nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, vai trò và vị trí của FDI trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã khác nhiều so với 30 năm vừa qua. Trong thời gian tới, FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt nền kinh tế thị trường. Với kỳ vọng ấy, Việt Nam nên chú trọng thu hút những DN FDI có công nghệ, kỹ thuật tốt, có trình độ quản lý, ý tưởng mới và đặc biệt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ hội cạnh tranh công bằng cho DN FDI và DN Việt Nam, từ đó giúp DN Việt Nam có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn. Cuộc cạnh tranh này là có thắng, có thua và cùng nhau phát triển.

Thậm chí, theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ranh giới ngành nghề, lĩnh vực theo truyền thống đang dần bị phá bỏ. Hiện chúng ta không thể nói chúng ta chọn ngành, nghề gì, bởi ngày mai sẽ có vô số mô hình mới ra đời. Nếu vẫn giữ tư duy truyền thống, chúng ta sẽ tuột mất cơ hội. Để giữ chân nhà đầu tư, Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư để thu hút được FDI tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Trước sức ép về môi trường, áp lực di chuyển lao động, tập trung dân số tại các đô thị, phá vỡ quy hoạch..., việc thu hút FDI có chọn lọc là xu hướng tất yếu. Câu chuyện gây ô nhiễm môi trường của Formosa hay Vedan... là những bài học đắt giá. Theo TS. Nguyễn Văn Hùng thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam... đang bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng thu hút FDI có chọn lọc, lựa chọn thu hút những dự án FDI sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, ít thâm dụng tài nguyên và môi trường... Một khi có môi trường đầu tư “sạch” thì tất yếu sẽ kéo theo những DN FDI có chất lượng vào Việt Nam.

Chuyên đề