EVN quyết liệt thoái vốn đầu tư ngoài ngành

(BĐT) - Đến nay, trong danh mục các dự án, doanh nghiệp mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư ngoài ngành, chỉ còn lĩnh vực tài chính chưa thoái hết vốn. Bên cạnh đó, EVN cũng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).
EVN sẽ hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành sau khi rút khỏi Công ty CP Tài chính điện lực
EVN sẽ hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành sau khi rút khỏi Công ty CP Tài chính điện lực

Thông tin này được ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN đưa ra khi trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Hội nghị toàn quốc về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020.

Xin ông cho biết kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN thời gian qua?

Hơn 3 năm qua, Tập đoàn đã tích cực thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xây dựng các phương án thoái vốn, thực hiện thoái vốn theo đúng quy định là đấu giá trên sàn.

Tập đoàn đã thực hiện thoái toàn bộ vốn ở các lĩnh vực không phải là ngành sản xuất kinh doanh chính. Toàn bộ vốn của Tập đoàn ở lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã được thoái hết. Riêng vốn trong lĩnh vực tài chính, theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đang tích cực thực hiện thoái theo quy định.

Mới đây, EVN đã trình Bộ Công Thương cho phép EVN thoái toàn bộ số vốn còn lại tại Công ty CP Tài chính điện lực. Như vậy, sau khi thoái toàn bộ vốn ở công ty này thì Tập đoàn sẽ hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Hầu hết quá trình thoái vốn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của các đơn vị đều thu về giá trị cao hơn giá trị sổ sách, mang lại thặng dư 34,8 tỷ đồng.

EVN quyết liệt thoái vốn đầu tư ngoài ngành ảnh 1
Ông Dương Quang Thành
Trong quá trình thoái vốn này có khó khăn gì, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất thời gian qua là thị trường chứng khoán không được như mong đợi, do vậy mà khi bán trên thị trường có sự hạn chế nhất định. Tuy nhiên, lượng vốn của EVN đầu tư vào các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh vốn không lớn (khoảng 1.995 tỷ đồng) nên chúng tôi tập trung tối đa để xử lý dứt điểm. 

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN có được kết quả khả quan hơn trong giai đoạn tới?

Hiện chúng tôi đang trình phương án CPH của Tổng công ty Phát điện 3. Năm 2017, EVN thực hiện xác định giá trị của Tổng công ty Phát điện 1; xây dựng phương án CPH Tổng công ty Phát điện 2.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, tôi cho rằng cần sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; nghiên cứu quy định nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tại Ban Chỉ đạo CPH của các đơn vị cũng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành phần tham gia khi thực hiện công tác một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. 

Vừa rồi, Thủ tướng có nói EVN cần đổi mới tư duy, hướng tới thị trường phát điện cạnh tranh nên để tư nhân đầu tư vào ngành điện. Ý kiến của ông thế nào?

Chủ trương này có từ lâu rồi, Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư ngoài Tập đoàn cũng như các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án BOT phát triển nguồn điện. Đây là định hướng đúng đắn của Chính phủ nhằm xã hội hóa nguồn điện mà không cần Nhà nước phải đầu tư.

EVN đang tích cực thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có vướng mắc như vấn để bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, đàm phán giá điện… Hy vọng thời gian tới, những khó khăn này sẽ được tháo gỡ để đưa các dự án vào khởi công, đáp ứng tiến độ.

Xin cám ơn ông!

Chuyên đề