Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng như đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung các hình thức ưu đãi mới, gồm: khấu trừ thu nhập chịu thuế, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế… Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung các hình thức ưu đãi mới, gồm: khấu trừ thu nhập chịu thuế, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế… Ảnh: Lê Tiên

Bộ KH&ĐT cho biết, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, theo phương án Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/3/2020, Điều 4 của Dự thảo Luật tiếp tục thể hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư 2014, đồng thời bổ sung quy định để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan như: Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trên cơ sở rà soát quy định của Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã làm rõ nguyên tắc áp dụng của 2 luật này theo hướng bổ sung quy định đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại luật này; việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, điều kiện thực hiện hoạt động xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Về hình thức và đối tượng ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được hoàn thiện theo hướng bổ sung các hình thức ưu đãi mới, gồm: khấu trừ thu nhập chịu thuế, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế… nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng bổ sung “Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia” vào địa bàn ưu đãi đầu tư và áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên nền tảng khoa học và công nghệ, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Bộ KH&ĐT, việc bổ sung quy định này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án có tác động lớn đến kinh tế, xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ chế linh hoạt để Chính phủ thực hiện chính sách này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung Điều 29 để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư. Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục nêu trên, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, Điều 29 quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện trước khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng quy định chỉ áp dụng biện pháp đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh quy định tại Khoản 3 Điều 5 Dự thảo Luật nếu hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia như nội dung Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời bỏ Điều 13 và bổ sung vào Điều 11 nội dung quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư, trong đó có bảo đảm cân đối ngoại tệ, không quy định về bảo lãnh Chính phủ để tránh trùng lặp với Luật Quản lý nợ công.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng sửa đổi tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó (sửa tỷ lệ 51% thành trên 50%) để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và thống nhất với cách tiếp cận xác định tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bổ sung Điều 21 để làm rõ hình thức đầu tư và bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 8 về thủ tục sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tránh chồng chéo, xung đột với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chuyên đề