Dự án Nhà ga T3 của Sân bay Tân Sơn Nhất: Vướng mắc điển hình của dự án hàng không

(BĐT) - 19 “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước từ các bộ đã hoàn thành chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ giữa tháng 11/2018. 
Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang gặp khó khăn về thủ tục. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang gặp khó khăn về thủ tục. Ảnh: Lê Tiên

Thế nhưng đến nay, nhiều dự án lớn mà các doanh nghiệp này được giao thực hiện, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực hàng không, đang gặp khó khăn, ách tắc. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là vấn đề cấp thiết được đặt ra, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Vướng về thủ tục ra quyết định chủ trương đầu tư

Thông tin với báo chí, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang gặp khó khăn về thủ tục. Trước đây, việc mở rộng nhà ga rất đơn giản về quy trình thủ tục, ACV chỉ việc báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tùy theo phân cấp, nếu dự án dưới 5.000 tỷ đồng thì Bộ thông qua chủ trương đầu tư; còn nếu trên 5.000 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư. Nhưng theo quy định hiện hành, ACV phải nộp đề xuất cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM để lấy ý kiến các đơn vị, trường hợp đồng ý mới trình lên cấp cao hơn để thẩm định. Đặc biệt, với dự án có quy mô lớn phải lập hội đồng thẩm định cấp nhà nước lấy ý kiến các bộ, ban ngành nên chưa biết khi nào mới xong.

Về thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, trong một báo cáo mới đây, cơ quan chức năng cho biết, hiện các dự án lĩnh vực hàng không đang vướng mắc về thủ tục ra quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có Dự án Nhà ga T3. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư, các dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải trình UBND cấp tỉnh xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ KH&ĐT để Bộ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

ACV nhấn mạnh, thực hiện theo quy trình này có bất cập là việc quản lý cảng hàng không, sân bay, quản lý đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch đầu tư, giao đất/thuê đất trong phạm vi cảng hàng không, sân bay đều thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Do vậy, việc ACV nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư thông qua quy trình nêu trên khó triển khai trên thực tế.

Chưa hết, các dự án nâng cấp, sửa chữa, mở rộng phạm vi các cảng hàng không, sân bay do ACV đang trực tiếp quản lý, khai thác có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng cũng đang gặp vướng mắc.

Cùng với vướng mắc về thủ tục ra quyết định chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư lĩnh vực hàng không còn gặp vướng mắc về thẩm quyền đầu tư, vướng mắc thủ tục đất và cấp phép xây dựng (Dự án Hangar số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài của Tổng công ty Hàng không Việt Nam); thủ tục giao/thuê đất và cấp phép xây dựng tại các cảng hàng không, sân bay… 

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo ACV, thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư có bất cập là việc quản lý cảng hàng không, sân bay, quản lý đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch đầu tư, giao đất/thuê đất trong phạm vi cảng hàng không, sân bay đều thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Do vậy, việc ACV nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư khó triển khai trên thực tế.
Trước tình hình thực hiện các dự án đầu tư chuyển giao từ các bộ về “siêu” Ủy ban còn chậm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo kiến nghị 11 nội dung lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung liên quan đến xử lý vướng mắc dự án đầu tư lĩnh vực hàng không.

Về hướng xử lý đối với việc xác định thẩm quyền quyết định đối với các dự án của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; việc chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư đã được các bộ, ngành thẩm định, triển khai trước khi bàn giao cho Ủy ban; phân công, phân cấp trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và trong việc xác định cơ quan chủ quản các dự án có liên quan đến vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra ý kiến chỉ đạo. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban và các cơ quan liên quan tổng hợp các vướng mắc, rào cản trong hoạt động đầu tư, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, đến thời điểm này, phương án tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư, trong đó có lĩnh vực hàng không vẫn đang được xây dựng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 này.

Chuyên đề