Dự án metro tại TP.HCM thu hút nhà đầu tư ngoại

(BĐT) - Về định hướng phát triển giao thông hiện đại, TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail), tổng chiều dài hơn 219 km. 
Các tuyến đường sắt đô thị là một phần hạ tầng quan trọng tạo nên bộ mặt của đô thị TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Các tuyến đường sắt đô thị là một phần hạ tầng quan trọng tạo nên bộ mặt của đô thị TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1. 

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các tuyến metro tại Thành phố vì tiềm năng lớn từ các dự án. Đồng thời, Thành phố cũng tạo điều kiện để phát triển các khu đất dọc theo tuyến metro. Cũng theo ông Quang, tuyến metro số 4 (từ Quận 12 đi Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè) đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nga và Hồng Kông. Đây là một trong những tín hiệu khả quan trong việc kêu gọi vốn đầu tư của Thành phố.

Hiện chưa có dự án metro nào được đầu tư bởi nhà đầu tư tư nhân nhưng TP.HCM sẽ hướng tới hình thức này. Điều nhà đầu tư tư nhân quan tâm là cơ chế giải quyết các thủ tục, nguồn vốn đối ứng của Thành phố và khả năng giải phóng mặt bằng.

Bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông (Trung quốc) cho rằng, TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu đãi khá tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư. "Tuy nhiên, chúng tôi cần nhiều thông tin hơn nữa về các dự án đầu tư. Cụ thể, khi có dự án rồi, chúng tôi cần có nhiều thông tin và thông tin phải chi tiết thì mới có thể giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định. Mặt khác, hệ thống mặt bằng dự án cũng phải thuận lợi khi kêu gọi đầu tư", bà Tina Phan nhấn mạnh.

Tháng 5 vừa qua, Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông đã tổ chức buổi tiếp xúc tìm hiểu của đoàn doanh nhân cấp cao của Hồng Kông với các dự án đầu tư. Tại buổi tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra rất quan tâm đến các dự án hạ tầng tại TP.HCM, đặc biệt là các tuyến tàu điện metro. Hiện Hồng Kông đang là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam. Một số nguồn tin cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hồng Kông và ASEAN được thông qua gần đây và khi có hiệu lực, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư Hồng Kông tới ASEAN hơn nữa, đặc biệt là Việt Nam.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, để giúp nhà đầu tư tìm hiểu và khai thác cơ hội đầu tư đạt hiệu quả, Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải tiến các thủ tục để thu hút đầu tư. Cụ thể, TP.HCM sẽ thành lập 2 tổ công tác, phụ trách mảng đầu tư và xây dựng, hoạt động theo cơ chế một cửa đi kèm quá trình triển khai dự án.

Chuyên đề