Dự án đầu tư công sẽ thoát cảnh ‘một cổ nhiều tròng’

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. 
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý trong đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý trong đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Việc sửa đổi này, theo Bộ KH&ĐT, nhằm khắc phục những quy định còn bất cập trong Luật Đầu tư công, trong đó có những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ra quyết định và điều chỉnh dự án đầu tư công.

Sửa quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công, các địa phương “kêu” khá nhiều về những bất cập trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương. Vướng mắc liên quan đến quy định này xảy ra chủ yếu đối với các địa phương có nguồn thu lớn, sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương đầu tư dự án nhóm A.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Luật Đầu tư công thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Tuy nhiên, đối với một số địa phương có nguồn thu lớn, sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương đầu tư dự án nhóm A như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… thì việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án không tạo sự chủ động cho địa phương.

Chính vì vậy, trong dự thảo mới nhất của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT kiến nghị sửa đổi Khoản 3, Khoản 4 Điều 17 của Luật Đầu tư công theo hướng Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương. Còn chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương sẽ được giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định.

Quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý cũng nhận được nhiều đề xuất sửa đổi của các địa phương. Cụ thể, theo quy định của Luật tại các điều 29, 30 và 31, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương của các cấp khác nhau (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) có trình tự lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư khác nhau.

Với quy định nêu trên thì dự án do cấp huyện quản lý sử dụng một phần ngân sách cấp tỉnh, một phần ngân sách cấp huyện phải do cả HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (đối với dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C) hoặc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (đối với dự án nhóm C) quyết định chủ trương đầu tư. Còn với một dự án do cấp xã quản lý sử dụng một phần vốn ngân sách cấp tỉnh, một phần vốn ngân sách cấp huyện và một phần vốn ngân sách cấp xã phải do cả HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đối với dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C) hoặc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đối với dự án nhóm C) quyết định chủ trương đầu tư.

Quy định nêu trên khiến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng khá nhiều do một dự án có thể có đến 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư. Việc có nhiều cấp tham gia quyết định chủ trương đầu tư cũng làm tăng thủ tục hành chính cho đơn vị thực hiện dự án. Do vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị sửa đổi quy định tại các điều 29, 30, 31 của Luật theo hướng “cấp nào quản lý dự án, cấp đó quyết định chủ trương đầu tư”. 

Hạn chế điều chỉnh dự án

Một thực tế diễn ra khá phổ biến ở các dự án đầu tư công là điều chỉnh tổng mức đầu tư, nên có khi dự án đang ở nhóm C thì đẩy lên nhóm B, nhóm B lại “nâng” lên nhóm A. Và người ra quyết định, theo quy định hiện hành, lại chính là cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ban đầu.

Điều này, theo Bộ KH&ĐT, khiến việc ra quyết định tăng tổng mức đầu tư trở nên dễ dàng hơn, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư công, dù trên thực tế vẫn có rất nhiều tiêu chí được đặt ra đối với các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh dự án chỉ được thực hiện do các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, nội dung đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án; xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Ngoài ra, hai trường hợp khác được xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là khi quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án và khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định.

Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án điều chỉnh từ nhóm C hoặc B lên nhóm A; giao Chính phủ hướng dẫn việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ nhóm C lên nhóm B và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng không làm thay đổi phân loại dự án.

“Quy định như vậy để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh dự án”, Bộ KH&ĐT lý giải.

Chuyên đề