Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM: Thúc bàn giao mặt bằng

(BĐT) - UBND TP.HCM đã và đang đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với quy mô đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đây được coi là tiền đề quan trọng để nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành Dự án BT quy mô lớn nhất Thành phố trong lĩnh vực chống ngập.
Đến cuối tháng 2/2020, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đạt tỷ lệ giá trị xây lắp 78%. Ảnh: Lê Tiên
Đến cuối tháng 2/2020, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đạt tỷ lệ giá trị xây lắp 78%. Ảnh: Lê Tiên

Giai đoạn thi công mới

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngày 20/3/2020, việc triển khai thi công dự án nói trên sẽ bước vào giai đoạn mới. Cụ thể, để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án, Thành phố đã có chỉ đạo đến một loạt đơn vị thúc bàn giao mặt bằng triển khai Dự án. Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND huyện Bình Chánh xử lý dứt điểm việc bồi thường, tái định cư để bàn giao mặt bằng thi công Dự án.

Đồng thời, UBND Thành phố yêu cầu Công ty CP Cảng Sài Gòn sớm bàn giao 2 bến phao neo đậu tại cống Tân Thuận cho Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp dự án) trước ngày 20/3/2020 để triển khai thi công. Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam tạm dừng thi công cầu cảng tại vị trí ảnh hưởng đến đoạn đê kè số 2 của Dự án.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao đánh giá ảnh hưởng đối với giao thông thủy sau khi công trình hoàn thành, bảo đảm an toàn giao thông thủy trước khi vận hành Dự án.

Sở dĩ Thành phố liên tục có chỉ đạo về việc bàn giao mặt bằng là bởi Dự án chưa triển khai đồng bộ do vướng mắc mặt bằng. Thực tế, tại nhiều dự án chống ngập của TP.HCM, các đơn vị thi công phải làm trước những chỗ đã có mặt bằng hoặc phần dưới nước, các khu vực chưa có mặt bằng thì để lại sau. "Việc chậm bàn giao mặt bằng gây ảnh hưởng lớn đến việc thi công và sử dụng nguồn vốn được bố trí. Có những vị trí sau khi được bố trí vốn xong thì thi công không kịp, hết hạn, phải xin bố trí lại vốn rất mất thời gian”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết.

Nhà đầu tư dồn lực thi công

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, những vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng khiến Dự án chưa thể đạt tiến độ như cam kết của nhà đầu tư với TP.HCM.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) cho biết, đến cuối tháng 2/2020, tổng giá trị xây lắp của Dự án đạt 78%. Nhân sự, công nhân được huy động trên công trường lên tới 800 người.

Các hạng mục lớn của Dự án gồm: cống Bến Nghé, cống Tân Thuận, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định và các hạng mục đê bao, kè xung yếu đều đang triển khai đúng tiến độ.

Cụ thể, cống Bến Nghé đang thi công nhà quản lý và kè mang cống. Tại cống Tân Thuận, phần âu thuyền đang triển khai thi công hoàn thiện; buồng bơm đang đổ bê tông bịt đáy, tường hướng thuyền đã thi công cọc, bộ phận kỹ thuật đang thi công lắp van. Tại cống Phú Xuân, nhà thầu đang triển khai thi công nạo vét, thảm rọ đá gia cố lòng sông (nhiều phân đoạn), bơm cát sau kè. Cống Mương Chuối đang được thi công nhiều phần như kè bảo vệ bờ, thi công sản xuất dầm mũ và đóng cọc, thi công thảm rọ đá cho phần sân cống và gia cố lòng sông, đồng thời thi công cọc bến thuyền và cầu công tác…

Phần đê, kè của Dự án cũng đang được hoàn thiện sau kè và mang cống các cống dưới đê.

Theo Trungnam Group, từ ngày 20/3/2020, các đơn vị thi công sau khi được bàn giao đồng bộ mặt bằng sẽ bước vào giai đoạn nước rút trong thi công để cơ bản hoàn thành Dự án trong năm 2020.

Chuyên đề