Dự án BT vắng bóng nhà đầu tư ngoại

(BĐT) - Mặc dù hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi, thậm chí là đấu thầu rộng rãi quốc tế, nhưng đa phần các dự án BT hiện chỉ có một nhà đầu tư trong nước đề xuất, nộp hồ sơ tham dự và nghiễm nhiên được chỉ định trúng thầu. 
Dự án BT vắng bóng nhà đầu tư ngoại

Lý giải điều này, hầu như các địa phương đều cho rằng đó là do nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.

Nhà đầu tư trong nước thâu tóm hầu hết dự án BT

Việc nắm giữ bất động sản là các khu đất hoàn vốn đầu tư dự án BT là những “miếng bánh” vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư. Các khu đất hoàn vốn này thường nằm ở vị trí đắc địa, dọc theo các con đường huyết mạch được đầu tư bằng hình thức BT, có giá trị thương mại cao, còn gọi là đất “vàng”. Nhưng gần như chủ nhân của các dự án BT cùng các khu đất hoàn vốn này đều là nhà đầu tư trong nước, ít thấy bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn như 5 năm trở lại đây, Bắc Giang đã chỉ định thầu 5 dự án BT lớn và đều thuộc nhà đầu tư trong nước. Đó là Dự án Xây dựng các tuyến đường trục khu dân cư thôn Chằm, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam với tổng vốn đầu tư 226 tỷ đồng; Dự án Xây dựng đường trục thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang với tổng vốn đầu tư 314 tỷ đồng; Dự án Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu với tổng vốn đầu tư 1.163 tỷ đồng...

Nhiều dự án khác cũng đang lên kế hoạch chỉ định thầu như Dự án Xây dựng đường tỉnh 289 kéo dài (đoạn từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh, nối Quốc lộ 31 với đường tỉnh 293); đường Nguyễn Thị Minh Khai kéo dài; hệ thống tiêu thoát nước và giao thông khu A, B thuộc Khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang...

Đặc biệt, Hà Nội vừa chỉ định nhà đầu tư trong nước thực hiện một loạt dự án BT có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng và đổi lại gần 200 ha đất “vàng” như: Đổi 40 ha đất để đầu tư tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài đến Vành đai 3; đổi 59 ha đất lấy tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên; đổi 68 ha lấy 5 tuyến đường 2, 3, 4, 6, 7 khu vực Hà Đông, Hoài Đức; đổi 20 ha lấy tuyến đường từ đê sông Hồng sang khu đô thị Gamuda Garden...

Trong các dự án BT này, nhiều dự án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, tức là mở cửa cho cả nhà đầu tư nước ngoài, nhưng gần như không có nhà đầu tư ngoại nào trúng thầu (trừ Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở tại Hà Nội do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) trúng thầu.

Lý do mà các địa phương đưa ra thường là những dự án này chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nên chỉ có một nhà đầu tư đề xuất, một nhà đầu tư quan tâm và đương nhiên nhà đầu tư đó được chỉ định thầu thực hiện Dự án. 

Nhà đầu tư ngoại không quan tâm hay không có “cửa”?

Phủ nhận sự thờ ơ của nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án BT, dưới góc nhìn chuyên gia bất động sản, bà Đỗ Thu Hằng - Phó Giám đốc Nghiên cứu Savills Hà Nội khẳng định, các nhà đầu tư ngoại hiện rất quan tâm đến thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, bất động sản tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sức “nóng” này không chỉ tập trung ở khu vực Hà Nội mà còn lan sang các khu vực phụ cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng...

Đối tượng mà các nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông...) nhắm tới là những người nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển căn hộ dịch vụ, shophouse (thị trường nhà phố, loại hình tích hợp nhu cầu kinh doanh và nghỉ dưỡng), khách sạn và hạng mục bán lẻ... Trong số các địa phương thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, Bắc Ninh đang có nhiều lợi thế. Bắc Ninh hiện có nhiều tuyến phố có giá cho thuê rất tốt, dù chưa phải là căn hộ dịch vụ, như khu đô thị Lý Thái Tổ, khu đô thị Việt Trang...

Tuy nhiên, lợi thế đang nghiêng về nhà đầu tư trong nước, chưa có nhiều nhà đầu tư ngoại trúng thầu các khu đất “vàng”. Mặc dù ở Hà Nội cũng có nhà đầu tư ngoại trúng thầu dự án nhưng chỉ là con số rất ít ỏi.

Hiện nay, diện tích đất còn trống không nhiều, nên tất yếu sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt là đất nền nằm trong khu quy hoạch và được phát triển bài bản sẽ có tiềm năng thu hút nhà đầu tư ngoại.

Theo dự báo của Savills, từ nay đến cuối năm, sức hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khu công nghiệp, logistics tiếp tục có triển vọng tốt.

Do đó, theo bà Hằng, các địa phương không nên chỉ bó buộc chọn nhà đầu tư trong nước. Thực tế cho thấy, khu vực nào có nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn sẽ thay đổi diện mạo, tầm vóc và sự khác biệt của khu vực đó, kéo theo một lực lượng đầu tư hùng hậu. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn nghiêm túc trong phát triển bất động sản và đầu tư rất bài bản.

Chuyên đề