Dự án BT giảm ngập TP.HCM gần 10.000 tỷ đồng: Sẽ vận hành cuối năm 2019

(BĐT) - Lãnh đạo UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là các địa phương phải khẩn trương bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ Dự án. Trong khi đó, Tập đoàn Trung Nam - Nhà đầu tư Dự án cam kết, cuối năm 2019, Dự án sẽ đi vào vận hành.
Dự án BT gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư có mục tiêu giúp giảm ngập do thủy triều cho khu vực 570km2. Ảnh: Văn Huyền
Dự án BT gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư có mục tiêu giúp giảm ngập do thủy triều cho khu vực 570km2. Ảnh: Văn Huyền

Yêu cầu họp hằng tuần để thúc tiến độ Dự án

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có chuyến thị sát, kiểm tra tiến độ Dự án vào sáng 12/3/2019.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Thành phố luôn lo lắng cho tiến độ, chất lượng của Dự án – một dự án trọng điểm đang bị ách tắc bởi rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã yêu cầu thường trực Ủy ban phải họp theo tuần để đốc thúc tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho dự án này”, ông Nhân chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, đây là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố, với mục tiêu giúp giảm ngập do thủy triều cho khu vực 570km2 với hơn 6,5 triệu người thuộc địa bàn 6 quận, huyện. Dự án tạm ngưng thời gian dài do vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép và việc tái cấp vốn cho đơn vị thực hiện Dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục để Dự án tái khởi động sớm nhất. Trong đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM được yêu cầu tổ chức kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ khối lượng công việc hoàn thành phục vụ giải ngân khoản vay cho Dự án.

Theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019. Đây cũng là thời điểm kết thúc vốn vay ưu đãi cho Dự án. Do đó, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian tái cấp vốn phù hợp với tiến độ triển khai Dự án.

Đề cập về việc thay đổi vật liệu thép tại công trình, Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý sau khi có kết quả thẩm định của các cơ quan chuyên môn, nếu vật liệu thép được thay thế không đảm bảo thì phải sử dụng loại thép khác đảm bảo chất lượng.

Gần 1 năm bị đình trệ thi công, Tập đoàn Trung Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là bị nhiều thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực của TP.HCM là không để cho nhà đầu tư đơn độc khi triển khai các dự án giúp giảm ngập, cải thiện hạ tầng cho Thành phố. 

Cam kết đưa dự án vận hành trong năm 2019

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, hiện phần lớn các hạng mục đã duy trì tiến độ làm việc, còn lại một số cống đòi hỏi thời gian lâu hơn như Tân Thuận và Phú Định do nền đất yếu. “Hơn 72% khối lượng công việc đã hoàn thành và cơ bản đảm bảo yêu cầu”, đại diện Tập đoàn Trung Nam nhận định.

Theo ông Tiến, nếu các địa phương giao mặt bằng trong tháng 6/2019 thì đến cuối năm nay Dự án sẽ hoàn thành cơ bản, các khâu quyết toán thì có thể chậm hơn. “Còn trong trường hợp các quận, huyện không bàn giao đúng thời gian thì tiến độ có thể chậm hơn 1-2 tháng, có thể xong trong quý I/2020”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các quận, huyện phải cam kết với Thành phố về việc bàn giao cơ bản mặt bằng trước 30/6/2019 để Nhà đầu tư thi công, hoàn thành Dự án trong năm nay. Ngay sau đó, đại diện các địa phương còn vướng mặt bằng như Quận 4, Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh đều cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước tháng 6/2019.

Ông Tuyến cho rằng, đây là dự án BT, công tác nghiệm thu, chất lượng công trình thì Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thường xuyên kiểm tra. Sau này, khi hoàn thành thì hội đồng này có sẽ đánh giá, nghiệm thu. Sau đó, về quyết toán, kiểm toán thì Thành phố sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập để tính toán giá trị công trình và thanh toán cho Nhà đầu tư.

Như vậy, dự án PPP lớn nhất của TP.HCM đang có nhiều dấu hiệu khôi phục khi cả lãnh đạo Thành phố và Nhà đầu tư đều quyết tâm cao độ trong việc hoàn thành. Đây cũng là cam kết của TP.HCM khi tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân triển khai dự án PPP nhằm cải thiện những điểm nghẽn hạ tầng.

Chuyên đề