Động lực mới thu hút đầu tư vào nông nghiệp

(BĐT) - Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ 57) vừa ban hành được kỳ vọng sẽ tạo  động lực mới cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước ta.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đã được đặt nền móng từ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, sau đó thay thế bằng Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (NĐ 210). Tuy nhiên, quá trình tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy một số bất cập như thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ của doanh nghiệp còn phức tạp (16 bước với khoảng 40 văn bản có liên quan, tùy theo từng địa phương và dự án hỗ trợ); tiếp cận đất đai khó khăn, quy hoạch sử dụng đất thường xuyên thay đổi; các điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn dẫn đến doanh nghiệp khó đáp ứng. Đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, phần lớn các địa phương đề nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương, trong khi nguồn ngân sách trung ương cũng rất hạn chế.

Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện NĐ 210, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế NĐ 210, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ KH&ĐT (cơ quan soạn thảo) phải "tập trung vào cơ chế chính sách, hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu (môi trường đầu tư, thủ tục hành chính), trong đó ưu tiên tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi (đất đai, miễn giảm thuế, phí) và hỗ trợ bằng tiền phù hợp với nguyên tắc thị trường và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước".

Do đó, so với NĐ 210, NĐ 57 đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, chỉ hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư nhằm tạo trách nhiệm đầu tư hiệu quả của đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển.

Về cơ chế hỗ trợ gián tiếp, NĐ 57 đã bổ sung các hỗ trợ theo thẩm quyền của Chính phủ được giao tại các luật chuyên ngành: mức miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng; cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ...

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, Phó Trưởng Ban soạn thảo: "Điểm mới nhất, quan trọng nhất trong các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo NĐ 57 là dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn sẽ không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư). Thủ tục này sẽ do cơ quan nhà nước thực hiện và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư cho toàn danh mục".

Đối với việc hạn chế "gánh nặng" kiểm tra, thanh tra, Khoản 3 Điều 16 NĐ 57 quy định: "Khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan nhà nước tại địa phương không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi có quy định của Luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng". Đây là nội dung quy định để thể chế hóa chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. 

Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp

Có thể nói, những cơ chế ưu đãi trong NĐ 57 đã được quy định ở mức tối đa trong thẩm quyền của Chính phủ. Đối tượng hỗ trợ đã được mở rộng, điều kiện hỗ trợ cũng thấp hơn rất nhiều so với NĐ 210. Đây là tin vui đối với cộng đồng và ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, nghị định này chỉ là cơ chế khung, hiệu lực, hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của các cấp, nguồn lực cân đối để thực hiện chính sách.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp thông qua khắc phục các vấn đề cố hữu như sản xuất manh mún; quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn hạn chế, thủ tục hành chính chuyên ngành chồng chéo, rườm rà; cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo và thiếu hài hòa lợi ích; chưa có cơ chế bảo hiểm nông nghiệp để giảm rủi ro trong đầu tư…   

Chuyên đề