Đơn giản hóa nhiều thủ tục về quản lý đầu tư công

(BĐT) - Những quy định mới về quản lý đầu tư công được Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây được đánh giá sẽ tác động tích cực, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Nghị định 120/2018/NĐ-CP giảm bớt thủ tục trong quy trình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Ảnh: Tiên Giang
Nghị định 120/2018/NĐ-CP giảm bớt thủ tục trong quy trình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Ảnh: Tiên Giang

Ngày 4/5/2018, Nghị định 63/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6, được đánh giá là bước đầu giải quyết những vướng mắc lớn, trong tầm nghị định của Chính phủ, về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Ngày 13/9 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (NĐ 77), Nghị định số 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (NĐ 136) và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (NĐ 161).

Trong đó, một số quy định về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm tại NĐ 77 được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn trong thực hiện.

Đơn cử, NĐ 120 quy định một trong những điều kiện để dự án khởi công mới được bố trí vốn kế hoạch là: “Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch, trừ dự án khẩn cấp, dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước (NSNN), tăng thu, kết dư NSNN và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Theo quy định tại NĐ 77, các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đều phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch, không có ngoại trừ như tại NĐ 120. Sửa đổi này tháo gỡ được vướng mắc khá lớn của các dự án đầu tư công. Nhiều địa phương cho biết, các dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng NSNN, vượt thu, kết dư NSNN thường phát sinh ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. Các dự án này chưa xác định được nguồn vốn vào thời điểm lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, nên không thể có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.

NĐ 120 cũng bổ sung quy định bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, cụ thể: “Đối với vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch”. Quy định này, theo nhiều ý kiến, sẽ giải bài toán nguồn lực cho công tác chuẩn bị đầu tư - bước khởi đầu để đảm bảo hiệu quả dự án về sau.

Đồng thời, NĐ 120 quy định cụ thể về thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

NĐ 120 cũng giảm bớt thủ tục trong quy trình kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư hàng năm vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo NĐ 77, trước ngày 15/3 hàng năm, bộ, ngành trung ương và địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính danh mục các dự án sử dụng các nguồn vốn này chưa giải ngân hết kế hoạch năm trước. Sau đó, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát đề xuất của bộ, ngành trung ương và địa phương trước ngày 30/4 hàng năm, thông báo cho bộ, ngành, trung ương và địa phương danh mục dự án và mức vốn được kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau. Bước rà soát, thông báo vốn này đã không còn quy định tại NĐ 120. Thay vào đó, NĐ 120 quy định, sau khi các bộ, ngành, địa phương tổng hợp danh mục dự án và số vốn kéo dài sang năm sau gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, thì sau ngày 31/3 hàng năm, thu hồi về ngân sách trung ương hoặc hủy dự toán số vốn còn lại chưa giải ngân của kế hoạch năm trước không được tổng hợp, báo cáo theo quy định.

NĐ 120 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác, với tinh thần chung là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ vướng mắc, đổi mới phương thức quản lý theo hướng tăng tính chủ động cho bộ, ngành, địa phương, giảm bớt thủ tục, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm…

Trong định hướng sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, dự kiến phân cấp trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; đổi mới cơ chế giao kế hoạch vốn…

Chuyên đề