Doanh nghiệp vừa thành lập đề xuất dự án khủng

(BĐT) - Việc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn (SGHI Corp) xin triển khai dự án tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi ở quận 8, TP.HCM đang là một chủ đề “nóng”. 
Khu ổ chuột bên bờ kênh Đôi sẽ biến thành “đất vàng” khi dự án di dân hoàn tất. Ảnh: Đinh Tuấn
Khu ổ chuột bên bờ kênh Đôi sẽ biến thành “đất vàng” khi dự án di dân hoàn tất. Ảnh: Đinh Tuấn

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại, với tổng số vốn lên đến gần 9.300 tỷ đồng, liệu một doanh nghiệp rất “trẻ” như SGHI Corp có kham nổi dự án này?

Hoàn vốn bằng quỹ đất

Theo SGHI Corp, để thực hiện dự án trên, trước mắt doanh nghiệp này sẽ tự thu xếp vốn để triển khai theo hình thức PPP. Tất cả số tiền trên sẽ chi cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, mua quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội có sẵn tại quận 8 cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, và trả bằng tiền mặt đối với những hộ có nhu cầu nhận tiền bồi thường để tự lo nơi ở mới.

Bù lại, nhà đầu tư sẽ đưa ra phương thức hoàn vốn dựa trên cơ sở xác định giá trị quỹ đất của dự án sau khi di dời theo cơ chế giá thị trường để hoàn vốn cho họ. Nếu giá trị quỹ đất tại dự án không đủ để hoàn vốn, thì TP.HCM sẽ giao một số khu đất khác cho nhà đầu tư, hoặc sẽ trích một phần ngân sách để “đắp” vào.

Với 5.352 căn nhà lụp xụp, gồm khoảng 32.000 nhân khẩu, hiện khu vực kênh Đôi đang là một “điểm đen” về an sinh xã hội ở TP.HCM. Đáng lưu ý, bờ Nam của con kênh này hiện có đến 4.392 căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Cũng cần nói thêm, con số 9.232 tỷ đồng nói trên là khái toán đầu tư áp dụng cho phương án có khoảng lùi 20 m tính từ mép kênh kết hợp với đầu tư chỉnh trang đô thị. Riêng, nếu chọn phương án có khoảng lùi 30 m thì chỉ  mất khoảng 7.367 tỷ đồng. Ngoài các thành viên góp vốn, SGHI Corp còn hợp tác theo hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác ngoại gồm Công ty TNHH Dragon Capital Group thuộc Tập đoàn Dragon Capital của Hồng Kông và Anh quốc; Công ty Capitaland Holdings (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Capitaland có trụ sở tại Singapore. 

“Đất ghẻ” sẽ thành “đất vàng”

Việc xã hội hóa đầu tư để triển khai những dự án như trên là cần thiết, nhưng làm như thế nào để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án hiệu quả, minh bạch, tất cả các bên đều hưởng lợi mới là vấn đề? 
Do đây là một dự án lớn cả về quy mô lẫn tổng vốn đầu tư, nên kể từ khi đề xuất dự án này, SGHI Corp luôn được người dân ở khu vực này cũng như dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên,  thông tin về việc ai là những cổ đông của SGHI Corp được hé lộ lại khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

SGHI Corp có địa chỉ ở 271/7B An Dương Vương, phường 3, quận 5, TP.HCM (cùng địa chỉ với Công ty CP Đức Khải), người đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Lai. Doanh nghiệp này mới được cấp phép ngày 18/7/2016, hoạt động từ ngày 20/7/2016. Một nguồn tin khác cho hay, tham gia sáng lập SGHI Corp, cổ đông có vốn góp lớn nhất chính là Công ty CP Đức Khải, chiếm 40%, kế đến là Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa chiếm 25%. 35% vốn cổ phần còn lại thuộc về Công ty CP Five Brothers 10%, cá nhân bà Huỳnh Hạnh Thu 10%, và bà Lý Thị Anh Thư 15%.

Đến đây, chuyện SGHI Corp có chung địa chỉ với Đức Khải, và các cổ đông của SGHI phần lớn là người nhà của Đức Khải cũng thật dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm hơn cả là liệu một công ty mới thành lập như SGHI Corp, với vốn điều lệ vỏn vẹn 200 tỷ đồng liệu có đủ khả năng, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để triển khai một “đại dự án” như thế hay không, trong khi bản thân Công ty CP Đức Khải thời gian qua cũng dính ít nhiều tai tiếng!?

Nếu đề xuất này của SGHI Corp được thông qua, trong tương lại khu “đất ghẻ” nói trên sẽ trở thành “đất vàng” sau khi chính thức được “thoát xác”. Dĩ nhiên, khi kết cục diễn ra đúng như phương án đề xuất, điều đó ít nhất có lợi cho cả ba bên: người dân không còn sống trong cảnh hôi hám, ô nhiễm, luôn bị rủi ro từ nhiều phía đe dọa; quận 8 và TP.HCM như tẩy đi được một “vết nám” trên mặt gây phản cảm và phiền phức từ trước đến nay; chủ đầu tư đương nhiên là “vớ bẫm”.

Việc xã hội hóa đầu tư để triển khai những dự án như trên là cần thiết, nhưng làm như thế nào để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án hiệu quả, minh bạch, tất cả các bên đều hưởng lợi mới là vấn đề? Những thắc mắc này vẫn chưa có câu trả lời từ phía đơn vị đề xuất dự án, vì phóng viên chưa kết nối được với ông Phạm Văn Lai.

Chuyên đề