Doanh nghiệp Việt đã coi trọng thương hiệu?

(BĐT) - Một tín hiệu đáng mừng là hiện có không ít doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ đã quan tâm đến phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt Thương hiệu quốc gia. Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Giới thiệu Lễ công bố các DN đạt Thương hiệu quốc gia 2016.
Thương hiệu là một trong những loại tài sản của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Thương hiệu là một trong những loại tài sản của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Chú trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

Dự kiến vào ngày 30/11/2016, 88 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2016 sẽ được vinh danh. Trong đó, có rất nhiều DN vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu có tên tuổi trong các lĩnh vực kinh tế như: Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen; Công ty CP Thép TVP; Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP…

Đề cập về việc xây dựng thương hiệu của các DN Việt Nam, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong số các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm nay, có một số DN dù có quy mô nhỏ, song đã đi vào những lĩnh vực khó như công nghệ sinh học và công nghệ cao, và đã có sản phẩm được vinh danh.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét, DN Việt Nam đã có ý thức hơn trong xây dựng thương hiệu thông qua số lượng đơn yêu cầu xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu đã tăng qua các năm. “Nếu như năm 2015, Cục đã nhận được 37.293 đơn yêu cầu xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu thì từ đầu năm đến ngày 22/11/2016 đã là hơn 37.090 đơn. Theo đà này, dự kiến năm 2016 xác nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có thể đạt mức 40 nghìn đơn, mức cao nhất từ trước đến nay” - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho hay. Theo vị đại diện này, mức tăng này xuất phát từ nhìn nhận của DN đối với tài sản là thương hiệu, cụ thể là nhãn hiệu sản phẩm của DN, cũng như từ sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề này. 

Khuyến khích xây dựng thương hiệu

DN Việt Nam đã có ý thức hơn trong xây dựng thương hiệu thông qua số lượng đơn yêu cầu xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu đã tăng qua các năm.
Bên cạnh những DN rất ý thức xây dựng thương hiệu, ông Lang cho rằng, còn không ít DN lớn trên thị trường vẫn chưa ý thức được rằng cần phải coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu như một chiến lược lâu dài và phải đặt ngang tầm các chiến lược kinh doanh khác. Họ cho rằng cứ sản xuất cho tốt, bán hàng cho nhiều rồi đăng ký thương hiệu cũng chưa muộn, bởi vậy mà đầu tư cho nghiên cứu triển khai thương hiệu còn chưa thỏa đáng. “Chính bởi thế, trong số các DN gửi đơn tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia 2016 đã có không ít DN lớn bị loại vì không đáp ứng được tiêu chí của Chương trình, trong khi đó một số DN quy mô nhỏ lại đáp ứng được”, ông Lang cho biết.

Một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, trên thực tế có DN vẫn không chịu đăng ký ở các thị trường có khả năng tiêu thụ được sản phẩm của mình vì cho rằng không cần đăng ký thương hiệu thì sản phẩm của họ vẫn tiêu thụ được, nên đã xảy ra tranh chấp thương hiệu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Thừa nhận thực tế này, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh thuộc Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài có chất lượng rất tốt, nhưng gần như lại không mang thương hiệu của một DN nào, mà đáng buồn hơn lại mang tên của một thương hiệu nước ngoài. Là DN đang ở tình thế chật vật do chưa xây dựng được thương hiệu ở thị trường nước ngoài, đại diện Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái cho hay, mặc dù là một đơn vị sản xuất bột đá lớn của Việt Nam chuyên cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất như xi măng, chất độn trong sơn…, nhưng khi sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài phải chịu bán dưới tên của một DN nước ngoài.

Từ thực tế nêu trên, các chuyên gia nhấn mạnh, DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bởi đây chính là một trong những loại tài sản của DN để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chuyên đề