Doanh nghiệp thuỷ sản teo tóp vì nặng gánh

(BĐT) - Các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thủy sản đang đứng trước thực trạng thu hẹp sản xuất do đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, việc nặng gánh tăng lương tối thiểu là khó khăn lớn làm tăng thêm bất lợi cho ngành này.
Các doanh nghiệp thủy sản đang buộc phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Lê Tiên
Các doanh nghiệp thủy sản đang buộc phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Bên bờ vực thẳm

Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 36.600 DN giải thể, bình quân mỗi ngày có 230 DN phá sản. Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhận định, nhiều DN thuỷ sản cũng nằm trong số này, còn lại đa số thu hẹp sản xuất.

“Như đơn vị chúng tôi, năm 2014 có 15.000 lao động, xuất khẩu được 730 triệu USD. Đến năm 2015, còn 12.000 lao động, xuất khẩu được 524,4 triệu USD. Riêng 6 tháng năm 2016, Công ty chỉ còn 9.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 205,3 triệu USD” - ông An than thở.

Thực tế, nửa đầu năm 2016, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Không chỉ hứng chịu thiên tai nặng nề, ô nhiễm, mà thị trường cũng khó khăn nhất. Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước chỉ đạt 3,15 tỷ USD, được cho là có mức tăng thấp (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015).

Ngoài ra, như nhận định, có đến hơn nửa DN chế biến thủy hải sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn, bên bờ vực thẳm mà nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn vốn sai mục đích đầu tư và kém hiệu quả, rơi vào vòng xoáy nợ nần. Thậm chí, nhiều chủ DN thuỷ sản còn vướng vòng lao lý.

Điển hình như Công ty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã, tính đến hết tháng 7/2016, Công ty này nợ các NHTM và tổ chức tín dụng 680 tỷ đồng, trong đó riêng nợ lãi gần 390 tỷ đồng; nợ 98 nhà cung cấp vật tư khoảng 95 tỷ đồng; nợ 28 hộ bán cá khoảng 16 tỷ đồng… Trong khi đó, tổng giá trị tài sản hiện tại của Công ty chỉ khoảng 110 tỷ đồng và đã cầm cố, thế chấp. Còn bản thân chủ Công ty đã bị Bộ Công an bắt giam từ tháng 3/2016.

Thêm gánh nặng tăng lương

Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước chỉ đạt 3,15 tỷ USD, được cho là có mức tăng thấp (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015).
Các DN trong ngành này băn khoăn khi các hiệp định thương mại với các nước có hiệu lực, sức cạnh tranh của họ sẽ càng giảm khi giá nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 20%. Trong khi đó, lương công nhân chế biến thuỷ sản lại cao hơn Thái Lan 20% và Ấn Độ là 170,27%.

Vị lãnh đạo của Minh Phú cho rằng, các DN thuỷ sản không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng lương tối thiểu hàng năm khi năng suất lao động không tăng. “Giá nguyên liệu cao, cộng thêm với chi phí lao động ngày một tăng cao thì làm sao DN thuỷ sản Việt Nam chịu nổi. Không còn con đường nào khác là phải thu hẹp sản xuất để tồn tại” - ông Chu Văn An bày tỏ.

Theo giới chuyên gia, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước có nền kinh tế và thu nhập đầu người chỉ ở tốp trung bình, nhưng các khoản đóng bảo hiểm xã hội lại cao nhất trong khu vực. Cụ thể, ở Thái Lan, chủ DN đóng 5% và người lao động 5%, ở Indonesia 11% và 3%, Malaisya 13% và 11%, Philippines 7% và 3%, Lào 5% và 4,5%. Còn ở Việt Nam, chủ DN phải đóng 22% + 2% phí công đoàn và người lao động đóng 10,5%, tổng cộng là 34,5%.

“Nhìn vào con số thực tế này thì DN thuỷ sản Việt Nam làm sao để cạnh tranh? Tăng lương tối thiểu hàng năm là nền, là căn cứ để tăng các khoản này. Đến năm 2018, các khoản bảo hiểm phải đóng trên nền tổng thu nhập. Đến lúc đó, không biết còn bao nhiêu DN thuỷ sản tồn tại để đóng 34,5% theo quy định này?” - ông Chu Văn An bức xúc.

Chuyên đề