Doanh nghiệp dệt may và áp lực đổi mới trước hội nhập

(BĐT) - Hội thảo quốc tế “Công nghiệp dệt may Việt Nam và bước ngoặt hội nhập lớn” diễn ra ngày 18/3/2016, tại TP.HCM là diễn đàn để nhận định, chia sẻ về thách thức mà các doanh nghiệp (DN) dệt may cần vượt qua để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vinatex đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60% vào năm 2018. Ảnh: LTT
Vinatex đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60% vào năm 2018. Ảnh: LTT

Nhiều điểm yếu cần khắc phục

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: “Cùng đồng hành với DN hơn 20 năm qua, chúng tôi nhận thấy cái khó khăn của DN khi hội nhập là kiến thức và kỹ năng hội nhập, thiếu tính liên kết chuỗi để hội nhập”. Còn Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cảnh báo, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, các DN sẽ hội nhập một cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Một trong những điều kiện đính kèm trong Chương Dệt may của TPP đòi hỏi rằng những mặt hàng xuất sang các nước thuộc TPP sẽ chỉ được hưởng các điều khoản ưu đãi khi các sản phẩm trung gian làm nên thành phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, Trung Quốc và Hàn Quốc (không thuộc TPP) hiện chiếm tới 54% nguồn nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời cũng tương ứng là hai thị trường nhập khẩu sản phẩm trung gian lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự đổ bộ của các DN dệt, may nước ngoài cũng dấy lên mối lo ngại rằng các công ty Việt Nam sẽ bị thua ngay trên sân nhà vì không thể cạnh tranh về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tham gia thị trường. So với các nhà xuất khẩu may mặc khác trong khu vực, các DN Việt Nam gặp hạn chế về máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Chưa kể năng suất lao động tương đối thấp. Bất lợi này đã không còn có thể được bù đắp chỉ bởi lượng lao động giá rẻ, dồi dào. Để đối phó, Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư vào khâu đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng phục vụ ngành may mặc.

Đổi mới để đón bắt cơ hội

Thời gian qua, một số DN Việt Nam đã bắt đầu hình thành, hay mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình để không bị tụt hậu khi TPP có hiệu lực. Các DN chủ chốt đang đi theo xu hướng này có thể kể đến như Công ty CP Sợi Thế Kỷ; Công ty CP Dệt Thành Công, Vinatex. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa được mở rộng trong khoảng thời gian tương đối ngắn, bao gồm việc nội địa hóa công đoạn dệt vải, từ cả sợi bông lẫn sợi tổng hợp. Được biết, DN dệt may hàng đầu Việt Nam là Vinatex đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60% vào năm 2018.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo, Chính phủ đang có kế hoạch thoái vốn nhà nước ra khỏi Vinatex, chuyển dịch xuống còn 51% cổ phần, nhằm nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác. Đây là chủ trương quyết liệt của Chính phủ để chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh của Vinatex, cánh chim đầu đàn trong ngành dệt may nội địa. Bên cạnh đó, Vinatex dự định đầu tư xấp xỉ 440 triệu USD vào nhà xưởng, xưởng nhuộm, dệt sợi và hạ tầng nói chung. Với những bước mở rộng như vậy, tuy nhiên, Vinatex vẫn còn ở thế yếu so với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đề cập đến vấn đề thoái vốn nhà nước tại Vinatex, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khẳng định: “Trong quá trình đổi mới DN thì một số hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa có chậm trễ vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng dù thế nào cũng phải đẩy mạnh việc bán, thoái vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý để hỗ trợ cho khối tư nhân có “đất” để phát triển. Ngành dệt may, với đại diện là Vinatex cần coi việc thực hiện nhanh, dứt khoát quá trình thoái vốn nhà nước như là một trong những bước chuẩn bị cần thiết để đối diện với những thách thức cũng như nắm bắt cơ hội mà TPP mang lại”.

Ông Gatot Arya Putra, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Jakarta, Indonesia nhận định: “Các DN dệt may Việt Nam đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động. Chính phủ kiên trì kế hoạch thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu DN nhà nước trong lĩnh vực dệt may; đồng thời, không ngừng đầu tư cho dây chuyền, công nghệ hiện đại, xác định rõ thị trường, phân khúc khách hàng. Rõ ràng, đây là cách Việt Nam chuẩn bị từ nhiều mặt để ngành này sẵn sàng gia nhập TPP, và những hiệp định thương mại tự do mới khác”.

Chuyên đề