DN chậm đầu tư đổi mới công nghệ, vì đâu?

(BĐT) - Cho đến nay, đã có một số doanh nghiệp (DN) quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị, nhưng nhìn chung năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ trong các DN Việt Nam vẫn còn thấp. 
Khi chi phí nhân công không còn là lợi thế, một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng áp dụng khoa học và nghệ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Phú An
Khi chi phí nhân công không còn là lợi thế, một số doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng áp dụng khoa học và nghệ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Phú An

Do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích DN đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN). Đây là nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị Triển khai công tác ngành KHCN năm 2019.

DN khẳng định lợi ích từ ứng dụng khoa học và công nghệ

Việc ứng dụng các thành tựu, tiến bộ của KHCN vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN như nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ giao hàng, tiết giảm chi phí... Đây là câu chuyện không mới và cũng đã có một số doanh nghiệp lựa chọn con đường này.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, từ 4 - 5 năm trước,  khi các khách hàng bắt đầu có xu hướng dịch chuyển thị trường sang các quốc gia đông dân, có chi phí nhân công thấp hơn Việt Nam, các DN trong nước đã phải thay đổi nhận thức. Cho nên từ năm 2014, mô hình đầu tư của ngành dệt may bắt đầu đi theo hướng sử dụng ít lao động. Chính từ cách đặt vấn đề đó, đến nay, mỗi nhà máy sợi chỉ có 20 công nhân trên 2 vạn cọc sợi, trước là 100 công nhân. Nhà máy nhuộm chỉ sử dụng kỹ thuật dung tỷ - 5 lần nước trong một lần vải chứ không phải là 11 lần nước như trước nữa...

Hay như trong ngành thủy sản, ông Vũ Đức Trí - Giám đốc điều hành Công ty Thủy sản Việt Úc khẳng định, sự phát triển của KHCN đang mang lại nhiều cơ hội phát triển. Để tạo dựng thương hiệu và phát triển ngành nuôi tôm giống, tôm thương phẩm..., Công ty đã đầu tư rất bài bản, từ việc đặt hàng nghiên cứu sản phẩm trong nhiều năm từ Anh, Đức, Áo đến đầu tư nhà máy xử lý nước thải với tổng mức đầu tư 2 triệu USD sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Đến nay, Công ty đã trở thành một trong những DN đi đầu trong việc nuôi tôm trong nhà màng, nhà bong bóng, chiếm lĩnh từ 25 - 30% thị trường trong nước. 

Nhiều DN vẫn còn e ngại

Rõ ràng, KHCN đã mang lại những lợi ích lớn lao cho DN. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đầu tư được.

Theo ông Lê Tiến Trường, đầu tư ứng dụng KHCN đòi hỏi lượng vốn lớn hơn rất nhiều so với phương thức cổ điển (thâm dụng lao động). Trong khi đó, đa số DN Việt hiện còn yếu về tiềm lực tài chính. Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển KHCN, quỹ đầu tư rủi ro cho công nghệ mới... ở Việt Nam vẫn còn vắng bóng. Huy động vốn bằng trái phiếu ở Việt Nam còn rất yếu. Gần như DN muốn phát triển thì phải sử dụng tới 70 - 80% vốn từ ngân hàng thương mại với chi phí lớn. Do đó, muốn thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư ứng dụng KHCN thì việc đầu tiên phải làm là cần có chính sách hỗ trợ để thị trường vốn phát triển.

Một trong những yếu tố quan trọng để đi ra thế giới, theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, là DN phải có được các chứng nhận quốc tế như một loại “giấy thông hành”. Điều này không khó với DN lớn, nhưng với DN nhỏ là cả một vấn đề, bởi chi phí lớn, thời gian thực hành rất dài. Do đó, Bộ KH&CN phải là cầu nối giữa DN trong nước với các tổ chức quốc tế để tư vấn cho DN có chọn lọc đầu tư phù hợp.

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế để khuyến khích DN đầu tư ứng dụng KHCN. Cách làm đối với chương trình sản phẩm quốc gia cũng cần thay đổi, không chỉ chú trọng đến những sản phẩm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà cả những sản phẩm là phát minh, sáng chế của DN tư nhân. Bởi sau khi họ đầu tư phát triển sản phẩm có hàm lượng KHCN cao thì phải có đầu mối tiếp cận với thị trường.

Và để KHCN trở thành động lực phát triển, cần sớm hoàn thiện các chính sách cũng như gắn kết giữa các viện, trường, tổ chức KHCN với DN. Có như vậy mới huy động được các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho KHCN. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên đối thoại để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN.

Chuyên đề