Đề xuất thúc đẩy mua sắm công xanh

(BĐT) - Việt Nam ngày càng đề cao các hoạt động cắt giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng/tài nguyên, giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, hướng tới mua sắm xanh. 
Mua sắm công xanh có thể hiểu là hoạt động mua sắm công có điều kiện, được lồng ghép các yếu tố môi trường. Ảnh: Lê Tiên
Mua sắm công xanh có thể hiểu là hoạt động mua sắm công có điều kiện, được lồng ghép các yếu tố môi trường. Ảnh: Lê Tiên

Tại một hội thảo mới đây về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế mua sắm công xanh tại Việt Nam.

Mua sắm công chiếm gần ½ tổng chi ngân sách

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trúng thầu mua sắm công năm 2014 là 443.445,58 tỷ đồng, tương đương  khoảng 11% GDP, chiếm 43% tổng chi ngân sách nhà nước (dự toán). Tuy nhiên, việc mua sắm bền vững/mua sắm xanh ở Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là còn hạn chế.

Do đó, để định hướng nhu cầu tiêu dùng xanh của thị trường, bên cạnh việc khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh, Nhà nước cũng có thể thay đổi quy chế mua sắm chính phủ/mua sắm công theo hướng xanh (hay mua sắm công xanh). Động thái này sẽ tạo hành lang pháp lý cụ thể cho mua sắm công xanh, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường, góp phần giảm chi phí cho các đơn vị mua sắm.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, mua sắm công xanh có thể hiểu là hoạt động mua sắm công có điều kiện, được lồng ghép các yếu tố môi trường vào trong toàn bộ quá trình mua sắm công, từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn dự án, lựa chọn nhà thầu đến triển khai, giám sát và đánh giá. Để thực hiện hiệu quả mua sắm công xanh, cần phải hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố, từ nhận thức đến hành động thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách và nguồn lực để triển khai.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia đều có quy định bắt buộc, yêu cầu mua sắm công xanh. Cụ thể, tại Mỹ, trong quy định về mua sắm liên bang và Sắc lệnh 13101 về xanh hóa mua sắm  chính phủ của Mỹ, tất cả các cơ quan chính phủ khi thực hiện mua sắm phải mua các sản phẩm có thành phần tái chế.

Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã ban hành “Luật Khuyến khích mua sắm hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường của Nhà nước và các đối tượng khác” nhằm thiết lập một chính sách cơ bản để thúc đẩy mua sắm công xanh, xác định các nhóm sản phẩm ưu tiên mua với các đặc điểm về môi trường, bao gồm danh mục 270 mặt hàng được chỉ định mua sắm kèm theo các tiêu chuẩn xanh.

Vào năm 2005, Hàn Quốc đã ban hành Luật Mua sắm công xanh với việc phải có kế hoạch mua sắm công xanh với các mục tiêu định nghĩa và báo cáo kết quả hoạt động mua sản phẩm xanh. Đến năm 2013, các sản phẩm áp dụng cho mua sắm công xanh của Hàn Quốc là 9.799 mặt hàng trong số 150 danh mục sản phẩm có nhãn sinh thái Hàn Quốc và 247 mặt hàng trong số 16 danh mục sản phẩm có nhãn tái chế. 

Cần khung pháp lý mạnh mẽ

Tại Mỹ, trong quy định về mua sắm liên bang và Sắc lệnh 13101 về xanh hóa mua sắm chính phủ của Mỹ, tất cả các cơ quan chính phủ khi thực hiện mua sắm phải mua các sản phẩm có thành phần tái chế.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, để thực hiện thành công mua sắm công xanh thì vai trò then chốt là ở sự chỉ đạo cấp trung ương. Mỗi chính phủ có chính sách quốc gia mua sắm công xanh hoặc các chiến lược liên quan đến việc thúc đẩy một nền kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm khí thải nhà kính. Vì vậy, Việt Nam cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về mua sắm công xanh.

Cùng với đó, cần có các tiêu chuẩn sản phẩm rõ ràng, đơn giản hóa quá trình mua sắm công xanh và tăng tốc thực hiện giữa các cơ quan. Tiêu chí môi trường của sản phẩm ưu tiên cho mua sắm công xanh được xác định và phù hợp với danh sách các loại sản phẩm xanh mà Chính phủ công bố trên trang web của cơ quan thực hiện chính. Do đó, vai trò giữa các bộ cần phải được phân định rõ: Bộ Công Thương đảm nhiệm vai trò đưa ra các tiêu chuẩn về năng lượng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa tiêu chuẩn về nhãn sinh thái, nhãn xanh…

Ngoài ra, cần phải có hệ thống giám sát để bảo đảm những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Hệ thống giám sát và đánh giá này phải được xây dựng chương trình trong trung và dài hạn. Việc xây dựng năng lực cho cán bộ mua sắm cũng được cho là một yếu tố quan trọng để bảo đảm các cán bộ này hiểu rõ hơn về quy trình mua sắm xanh nhằm phát huy được hiệu quả chính sách.

Chuyên đề