Đề xuất kế hoạch 7 điểm thực hiện mua sắm công xanh

(BĐT) - Dự thảo Kế hoạch hành động thúc đẩy mua sắm công bền vững tại Việt Nam vừa được công bố tại Hội thảo tổng kết Dự án Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái (SPPEL) diễn ra ngày 1/12, tại Hà Nội. 
Quá trình rà soát khung pháp lý về mua sắm công tại Việt Nam cho thấy hiện vẫn thiếu những quy định hoặc lồng ghép các quy định về mua sắm công xanh. Ảnh: Lê Tiên
Quá trình rà soát khung pháp lý về mua sắm công tại Việt Nam cho thấy hiện vẫn thiếu những quy định hoặc lồng ghép các quy định về mua sắm công xanh. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, Việt Nam sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về thúc đẩy mua sắm công bền vững (mua sắm công xanh).

Kế hoạch trên được xây dựng trong khuôn khổ Dự án SPPEL do Uỷ ban châu Âu (EC) tài trợ nhằm thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là trong các cơ quan trung ương thông qua tăng cường năng lực, truyền thông và thúc đẩy việc sử dụng nhãn sinh thái như là cách thức xác nhận các tiêu chí môi trường cùng với việc điều chỉnh các tiêu chí về xã hội và kinh tế hiện đang được sử dụng trong đấu thầu thông thường.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Kế hoạch đưa ra 7 nội dung chính để triển khai công tác này: Rà soát và điều chỉnh khung pháp lý; Tăng cường năng lực; Truyền thông và nâng cao nhận thức; Xây dựng kế hoạch mua sắm công bền vững cho các cơ quan trung ương; Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm bền vững và chứng nhận nhãn sinh thái; Tiếp cận thị trường; Hợp tác quốc tế.               

Về rà soát và điều chỉnh khung pháp lý, Dự thảo Kế hoạch nhấn mạnh, cần bổ sung một số quy định về tiêu chí môi trường trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc xây dựng thông tư liên tịch quy định về sử dụng các nhãn sinh thái trong mua sắm công để có cơ sở thúc đẩy mua sắm công xanh.

Về tăng cường năng lực, sẽ thực hiện rà soát lại các tài liệu tập huấn về mua sắm công hiện hành, xây dựng các nội dung đào tạo về mua sắm công, lồng ghép các nội dung về mua sắm công vào các khóa đào tạo mua sắm công. Đồng thời, tổ chức riêng rẽ các lớp tập huấn về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái.

Đặc biệt, trong công tác truyền thông và nâng cao nhận thức, sẽ chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông và nâng cao nhận thức cho khối cơ quan nhà nước và đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ về mua sắm công và nhãn sinh thái.

Dự án SPPEL thực hiện từ năm 2014 - 2017 có tổng vốn là 263.691 USD, trong đó vốn ODA là 248.691 USD, vốn đối ứng là 15.000 USD. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản; Tổng cục Môi trường là đơn vị thực hiện Dự án. Mục tiêu của Dự án là góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về mua sắm công bền vững cho các cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi phương thức sản xuất cho các doanh nghiệp theo hướng tích cực và nâng cao hiệu quả các chương trình nhãn sinh thái của Việt Nam.
Khung thời gian thực hiện Kế hoạch dự kiến sẽ tiến hành trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2021; giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2030. Để triển khai Kế hoạch, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành lập một Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch. Tham gia Ban này có đại diện của các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Đồng thời đề xuất có một văn phòng thường trực đặt tại Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính.

Tại Hội thảo, ông Trần Nam Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Peapros, cho rằng, quá trình rà soát khung pháp lý về mua sắm công tại Việt Nam cho thấy hiện vẫn thiếu những quy định hoặc lồng ghép các quy định về mua sắm công xanh. Năng lực của cán bộ mua sắm, đấu thầu về thực hành mua sắm công bền vững còn hạn chế… Trong khi đó, khối các đơn vị mua sắm công lại rất lớn, bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…  “Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Đấu thầu chưa có kết nối hướng dẫn thực hiện mua sắm công xanh. Sự phối hợp giữa các cơ quan mua sắm công bền vững còn nhiều hạn chế”, ông Bình nhận xét.

Mặt khác, theo ông Bình, nhìn về tương lai, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh sẽ có cơ hội mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp không chỉ  bán hàng cho Chính phủ Việt Nam, mà còn có khả năng bán hàng cho nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Chuyên đề