Đề xuất cơ chế tăng quy mô vốn đầu tư hạ tầng Hà Nội

(BĐT) - Chiều ngày 27/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. 
Tốc độ đô thị hóa nhanh và tình trạng tăng dân cư tự phát tạo ra sức ép rất lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở Hà Nội. Ảnh: Song Lê
Tốc độ đô thị hóa nhanh và tình trạng tăng dân cư tự phát tạo ra sức ép rất lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở Hà Nội. Ảnh: Song Lê

Trong đó, Chính phủ đề xuất một số cơ chế đặc thù giúp Hà Nội có thêm dư địa về vốn để triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, TP. Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành… Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ-CP phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Dự thảo Nghị định đề xuất một số cơ chế liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND TP. Hà Nội trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); nâng cao hiệu quả quản lý NSNN, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung... Trong đó, đề xuất nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%; cho phép Thành phố tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng…

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc cần có thêm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Trong đó, đa số ý kiến đồng ý với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách TP. Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của TP.HCM theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại. UBTCNS cũng nhất trí với chủ trương cho phép UBND TP. Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng. Thời hạn này cũng tương tự như thời hạn quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về mức tạm ứng, cơ chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khoản vốn đầu tư này; bảo đảm an toàn Quỹ Dự trữ tài chính và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tuy nhiên, để phù hợp về thẩm quyền quyết định, cũng như có một cơ chế đủ mạnh tạo lực đẩy cho Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần ban hành nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội, thay vì sửa Nghị định 63/2004/NĐ-CP.

Theo như kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại cuộc họp, thì Chính phủ sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về việc quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nội dung này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2020 trước khi bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét quyết định.

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 10/4/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cho Hà Nội được áp dụng một số cơ chế chính sách cụ thể để vực dậy nền kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP.HCM để đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng.

Chuyên đề