Đề nghị xác định lại mức đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La về kết quả thẩm định Đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư (PPP). 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo phương án tài chính sơ bộ của Dự án, suất vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của Dự án với quy mô 4 làn hạn chế khoảng 193,035 tỷ đồng/km, cao hơn nhiều so với quy định.

Gần 21.000 tỷ đồng cho 85 km đường

Theo Đề xuất của UBND tỉnh Sơn La, Dự án thuộc nhóm A do Công ty CP Đầu tư cao tốc Hòa Bình - Sơn La (Bình Sơn.,JSC) đề xuất xây dựng có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 6 hiện tại (khoảng Km66+700 trên Quốc lộ 6) thuộc địa phận xã Trung Minh, TP. Hòa Bình; tiếp nối với Dự án Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (đang triển khai thi công). Điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 43 thuộc địa phận bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Dự án dự kiến sử dụng quỹ đất 870 ha, có chiều dài khoảng 85 km, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22 m. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 20.864 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 15.028 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 834,75 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 1.380,07 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 3.621 tỷ đồng.

Được biết, UBND tỉnh Sơn La đề xuất hình thức đầu tư của Dự án là PPP, thực hiện trên cơ sở hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp với BT và hợp đồng tương tự khác) giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Theo đó, nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư thực hiện hợp phần BOT được hoàn lại qua thu phí khoảng 15.864 tỷ đồng (76,04% tổng mức đầu tư Dự án). Nguồn vốn đầu tư tỉnh Sơn La và Hòa Bình tham gia bằng giá trị quỹ đất qua hợp phần BT khoảng 5.000 tỷ đồng (23,96% tổng mức đầu tư).

Theo quan điểm của Bộ KH&ĐT, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để kết nối các tỉnh vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam theo quy hoạch là cần thiết.

Liên quan đến quy mô đầu tư Dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Sơn La nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng đường gom dân sinh dọc hai bên đường để đảm bảo việc đi lại của nhân dân hai bên tuyến, không làm ảnh hưởng đến việc khai thác đường cao tốc. 

Tính toán lại sơ bộ tổng mức đầu tư

Đối với phương án tài chính của Dự án, Bộ KH&ĐT cho rằng, tổng mức đầu tư (khoảng 20.864 tỷ đồng) chưa được lập theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; nguyên tắc lập sơ bộ tổng mức đầu tư không chính xác, đặc biệt là phần xác định khối lượng vì thiết kế trong giai đoạn này mới chỉ là thiết kế sơ bộ.

Mặt khác, suất vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của Dự án, với quy mô 4 làn hạn chế khoảng 193,035 tỷ đồng/km, cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe tại Quyết định số 706/QĐ-BXD ngày 30/6/2017 của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2016 (122,49 tỷ đồng/km). Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Sơn La xác định sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án theo quy định; lập lại các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác.

Dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực Nhà nước khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, hồ sơ Dự án lại chưa làm rõ cơ cấu và phương án huy động vốn của nhà đầu tư, chưa có phân tích sơ bộ về khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia cũng như năng lực của nhà đầu tư đề xuất Dự án (đối với hợp phần đầu tư theo hình thức BOT).

Ngoài ra, hồ sơ Dự án cũng chưa làm rõ khả năng huy động quỹ đất của địa phương để tham gia thực hiện Dự án (đối với hợp phần đầu tư theo hình thức BT). Bộ Tài chính cho biết thêm, hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP cho phép sử dụng tài sản công (giá trị quyền sử dụng đất) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, hiện Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (thay thế cho Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT) chưa được Chính phủ ban hành.

Do đó, quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án làm cơ sở cho các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo cần lưu ý đối với việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư chỉ được xem xét khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT được ban hành, có hiệu lực thi hành và thực hiện theo quy định của nghị định này.

Chuyên đề