Đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: Vung tay sẽ vỡ nợ

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. 
Nếu các tỉnh, các huyện không dừng ngay việc đua nhau xây dựng trụ sở thì ngân sách nhà nước dễ bị mất cân đối nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tiên
Nếu các tỉnh, các huyện không dừng ngay việc đua nhau xây dựng trụ sở thì ngân sách nhà nước dễ bị mất cân đối nghiêm trọng. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ đáp ứng được 46,15% nhu cầu vốn đầu tư

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư phát triển (ĐTPT) từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 ước vào khoảng 1.846.000 tỷ đồng (không bao gồm 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ). Mặc dù vốn đầu tư cho giai đoạn này tăng 639.100 tỷ đồng so với giai đoạn 2011 - 2015, nhưng theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thì mới chỉ đáp ứng được 46,15% nhu cầu vốn đầu tư theo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương (4 triệu tỷ đồng).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tổng mức vốn từ ngân sách nhà nước cho ĐTPT trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng 2.106.000 tỷ đồng (bao gồm cả 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ) là hợp lý, mặc dù vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. “Vì vậy, trong quá trình điều hành, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tăng quy mô thu ngân sách để có thêm nguồn dành cho chi ĐTPT”, ông Hiển đề nghị. 

Nhìn vào con số 4 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước do các bộ, ngành, địa phương đề xuất cho giai đoạn 2016 - 2020, TS. Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không khỏi lo lắng cho bức tranh nợ công. “Năm 2015, nợ công đã tương đương 62,2% GDP, tức là gần chạm trần, nợ Chính phủ đã lên đến 50,3% GDP, rơi vào mức báo động đỏ vì đã vượt trần cho phép. Vấn đề cấp bách đặt ra cho Quốc hội và Chính phủ là phải bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, muốn vậy, phải thắt chặt đầu tư công, chấm dứt đầu tư dàn trải, lãng phí, coi đây là một trong những điều kiện để phát triển bền vững” - ông Thụ nhấn mạnh.

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, theo ông Phùng Quốc Hiển, trong Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, phải cơ cấu lại nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo bước chuyển đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư. “Vốn ĐTPT phải tập trung vào lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia; sử dụng vốn ngân sách nhà nước với vai trò là nguồn vốn khởi đầu mang tính kích thích, hướng dẫn để khai thác tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác. Trong giai đoạn này cần thắt chặt và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; ban hành hệ thống giải pháp khả thi, hiệu quả và thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý khi xảy ra các sai phạm trong đầu tư công” -  ông Hiển nhấn mạnh.

Mạnh tay với các địa phương thích đầu tư “hoành tráng”

Năm 2015, nợ công đã tương đương 62,2% GDP, tức là gần chạm trần, nợ Chính phủ đã lên đến 50,3% GDP, rơi vào mức báo động đỏ vì đã vượt trần cho phép. Vấn đề cấp bách đặt ra cho Quốc hội và Chính phủ là phải bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, muốn vậy, phải thắt chặt đầu tư công, chấm dứt đầu tư dàn trải, lãng phí, coi đây là một trong những điều kiện để phát triển bền vững.
Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, việc bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2016 - 2020, theo ông Bùi Quang Vinh, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện ưu tiên cho các chương trình, dự án đang triển khai dang dở, có hiệu quả sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác. Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020, phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện đối với dự án thực sự hiệu quả. Như vậy có thể thấy quyết tâm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư công của Bộ KH&ĐT rất cao và thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư công rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc một số địa phương “tái khởi động” đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính trị giá hàng nghìn tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Theo TS. Bùi Đức Thụ, trụ sở làm việc nhiều cơ quan công quyền của một số địa phương nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau, nhiều trụ sở đã xuống cấp hoặc quá chật hẹp, không bảo đảm tiêu chuẩn để làm việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp, buộc phải xây dựng lại thì việc xây dựng trung tâm hành chính sử dụng chung là cần thiết. Nhưng tỉnh nào cũng đòi xây dựng trung tâm hành chính trị giá nghìn tỷ thì cần phải dừng lại, nếu không sẽ phá vỡ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. “Xây dựng khu trung tâm hành chính sử dụng chung là cần thiết, nhưng chưa thực sự cấp bách, nếu các tỉnh, các huyện đua nhau xây dựng trụ sở sẽ khiến ngân sách nhà nước mất cân đối nghiêm trọng”, ông Thụ cảnh báo và cho rằng, trong đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng, phải lấy hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất.

Nhiều tỉnh trước đây đã bị Thủ tướng Chính phủ “khước từ” đề nghị xây dựng trung tâm hành chính. PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, đây là hành động rất quyết liệt, vì vậy, ông hy vọng Thủ tướng tiếp tục có hành động tương tự với các tỉnh có ý định đề xuất, tái đề xuất xây dựng trung tâm hành chính sử dụng chung. Bởi số tiền 1.846.000 tỷ đồng vốn ngân sách dành cho ĐTPT giai đoạn 2016 - 2020 cũng mới chỉ là trên lý thuyết, còn trên thực tế chưa chắc đã có được. “Muốn có được 1.846.000 tỷ đổng để chi cho ĐTPT thì tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2020 phải đạt bình quân 6,5 - 7%/năm. Mục tiêu này hết sức khó khăn và nếu không đạt được nhưng vẫn cứ chi tiêu mạnh tay thì nợ công, bội chi sẽ trở thành áp lực vô cùng lớn” - ông Long bình luận.

Chuyên đề