Đầu tư nước ngoài hướng đến 300 tỷ USD vào năm 2030

(BĐT) - Tại Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030, Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm chỉ đạo, định hướng cũng như các biện pháp để thu hút, quản lý hoạt động ĐTNN với tầm nhìn đến năm 2030.

Chuyển giá, “vốn mỏng", đầu tư “chui” và “núp bóng”... gia tăng

Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý ĐTNN, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động ĐTNN ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị nhận thấy, việc thu hút, quản lý và hoạt động ĐTNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới như: thể chế, chính sách về ĐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý ĐTNN chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu... Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả của cơ chế và năng lực xử lý tranh chấp chưa cao. Hệ thống tổ chức bộ máy và năng lực thu hút, quản lý ĐTNN còn bất cập, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu chủ động và chuyên nghiệp.

Kết quả thu hút ĐTNN thời gian qua cũng cho thấy hiện tượng có nhiều dự án quy mô “vốn mỏng”, sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động lớn. Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao. Tỷ lệ nội địa hoá còn thấp.

Đặc biệt, theo nhận định của Bộ Chính trị, hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" đang ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế...

Bổ sung điều kiện về quốc phòng, an ninh

Trong điều kiện mới, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025 phải thu hút được 200 tỷ USD vốn đăng ký và hướng đến 300 tỷ USD vào giai đoạn 2026 - 2030.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và đạt được mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về hoàn thiện thể chế, chính sách chung về thu hút ĐTNN, bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư, quản lý và giám sát đầu tư; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với ĐTNN.

Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh tới việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm);

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm);

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018;

- Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030;

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. 

Chuyên đề