Đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nghề cá ở 4 tỉnh miền Trung

Mỗi tỉnh chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển miền Trung được phân bổ 400 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng nghề cá.
Cảng cá Cửa Sót, Hà Tĩnh.Ảnh minh họa: Đức Hùng
Cảng cá Cửa Sót, Hà Tĩnh.Ảnh minh họa: Đức Hùng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. 

Theo đó, Thủ tướng đồng ý phân bổ cho mỗi địa phương 400 tỷ đồng để đầu tư dự án cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ 242,6 tỷ đồng cho chủ cơ sở có hải sản tồn đọng; 341,3 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp liên quan khác.

Việc phân bổ khoản 400 tỷ nêu trên, được tiến hành trên cơ sở chuyển kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá sang các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá).

Theo ý kiến của Thủ tướng, hàng hải sản tồn đọng trong diện hỗ trợ phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan chức năng kiểm kê kho hàng; có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư gồm Mặt trận tổ quốc, Chi bộ, Tổ dân phố… 

Chủ tịch UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, đảm bảo hiệu quả gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng.

Sự cố môi trường biển miền Trung diễn ra từ tháng 4/2016, khi cá chết hàng loạt trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và lan rộng 4 tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực.

Formosa Hà Tĩnh sau đó thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Chuyên đề