Đầu kéo cho tăng trưởng

(BĐT) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và đang thiếu vắng các dự án mới, việc Nhà nước thúc triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng cao tốc được các chuyên gia đánh giá cao và doanh nghiệp kỳ vọng. “Gói kích cầu” này sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến xây dựng cơ bản. Đồng thời, việc hình thành các tuyến cao tốc sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Các nhà thầu sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng có nhiều cơ hội khi triển khai các dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Khánh Giang
Các nhà thầu sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng có nhiều cơ hội khi triển khai các dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Khánh Giang

Dự án Xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, 3 dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy và sớm khởi công công trình trong năm 2020. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ niềm vui mừng và hy vọng về “gói kích cầu” này.

Theo ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các doanh nghiệp xây dựng vốn đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu việc làm, ít có dự án khởi công mới, dư lực lượng lao động khá nhiều, thị trường một số ngành nghề liên quan như bất động sản, các công trình cầu đường lớn ảm đạm và hạn hẹp. Nay thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều công trình phải đóng băng, máy móc ngoài công trường đắp chiếu vì phải giãn tiến độ thi công, người lao động không có thu nhập, doanh nghiệp không có doanh thu mà phải “gồng mình” trả nợ kèm lãi vay cho ngân hàng. Việc Nhà nước kịp thời dùng nguồn ngân sách nhà nước để “bơm vốn” đầu tư cho một dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam có thể nói đã kịp thời “cứu đói” việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng, nhất là những doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông, những doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai các công trình hạ tầng.

Nếu nhìn bề ngoài thì có thể nghĩ chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tham gia thực hiện các tuyến cao tốc, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp ở lĩnh vực liên quan có thể tham gia làm thầu phụ, làm các hạng mục công việc phù hợp, tham gia cung cấp các loại vật liệu thi công từ nhỏ đến lớn… cho các công trình này.
Ngoài ra, theo ông Cận, với đặc thù của ngành xây dựng có đến 70 - 80% giá thành công trình là chi phí vật liệu xây dựng, việc đầu tư ngân sách nhà nước để đẩy nhanh thực hiện các tuyến cao tốc sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như: sắt, thép, cát, sỏi, xi măng, đá, nhựa đường… có thêm công việc. Việc triển khai các tuyến cao tốc cũng sẽ phải dùng đến một số máy móc thi công nhất định, các loại vật liệu, xăng, dầu (tuy không nhiều) nhưng cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp và người lao động trong những ngành nghề liên quan này có thêm việc làm và thu nhập.

Một số nhà thầu cho rằng, việc sớm triển khai các dự án cao tốc sẽ là cứu cánh cho một số doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng vì số lượng nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các tuyến cao tốc ở Việt Nam không nhiều.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, nếu nhìn bề ngoài thì có thể nghĩ chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tham gia thực hiện các tuyến cao tốc, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp ở lĩnh vực liên quan có thể tham gia làm thầu phụ, làm các hạng mục công việc phù hợp, tham gia cung cấp các loại vật liệu thi công từ nhỏ đến lớn… cho đại công trình này.

Đơn cử, với doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, việc sớm triển khai các dự án cao tốc sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành như cung cấp và lắp đặt thiết bị thi công ở hạng mục cầu, thiết bị chiếu sáng, các hạng mục lan can, cung cấp máy móc thi công xây dựng do Việt Nam sản xuất…

“Hai ngành có lợi thế nhất khi triển khai các dự án cao tốc là nhà thầu xây lắp và nhà thầu sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng”, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu chia sẻ. Với đặc thù thi công công trình đường cao tốc trải dài từ Bắc vào Nam, những doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật tư xây dựng ở nhiều tỉnh, thành đều có cơ hội tham gia vào đại dự án này, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương. Công trình đường cao tốc cũng đòi hỏi phải có một hệ thống tín hiệu giao thông đồng bộ, hiện đại; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống thu phí không dừng; hệ thống giám sát hành trình và tốc độ; các thiết bị phân luồng hoạt động của phương tiện giao thông…, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại thiết bị này cũng sẽ có thêm việc làm và thu nhập.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc sẽ giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong thi công xây dựng và vận hành đường cao tốc, tiếp cận và làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xây dựng công trình cầu và đường. Hơn nữa, khi hoàn thiện và đưa vào vận hành, các tuyến đường cao tốc cũng sẽ giúp làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê hẻo lánh, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân một số địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua.

Chuyên đề