Đại biểu Quốc hội sốt ruột với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

(BĐT) - “Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đến thời điểm này chưa làm gì, bây giờ Bộ GTVT giao tiếp cho Vietinbank, tôi e rằng cách làm hiện nay không biết tới lúc nào mới xong con đường này” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể lo lắng về số phận tuyến đường huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đang đàm phán để Vietinbank tài trợ vốn

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trải qua rất nhiều thăng trầm, được khởi công từ năm 2010 nhưng cho đến năm vừa rồi, trước những khó khăn và có những vấn đề chưa hợp lý Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm tra, làm lại.

Ông Nghĩa giải thích, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong giai đoạn trước chỉ làm quy mô 13 mét, trong khi đó Sài Gòn - Trung Lương là 17 mét, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 17 mét, như vậy có một nút thắt ở đoạn giữa. Bộ GTVT đã điều chỉnh lại, cộng với điều chỉnh việc thu xếp vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương về trần cho vay của các ngân hàng thương mại.

“Đến nay cơ bản đã được Chính phủ đồng thuận với quy mô điều chỉnh Trung Lương - Mỹ Thuận là 17 mét để có quy mô chung từ Sài Gòn đến Cần Thơ và đang đàm phán với Vietinbank thu xếp vốn, hy vọng cuối quý II đàm phán xong”, Bộ trưởng GTVT báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, giải pháp này vẫn đại biểu Nguyễn Văn Thể - đoàn Sóc Trăng băn khoăn và lo ngại dự án này không biết tới lúc nào mới kết thúc. Theo đại biểu, đường Trung Lương - Cần Thơ (trong đó có đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) là một trục đường quan trọng nhất của cả miền Nam, lưu lượng hiện nay cao nhất nước, mỗi một ngày có 50 ngàn xe đi trên tuyến đường này, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục. “Đi từ TP. Cần Thơ lên TP. HCM có 150 km, nhưng đi khoảng 3,5 tiếng đồng hồ, có nghĩa vận tốc khoảng 40km/giờ. Đây là một con đường hết sức quá tải”, đại biểu Thể cho biết.

Ông Thể kể lại hành trình gian nan của Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thấy được việc này, do đó đã có chủ trương khởi công và chính Thủ tướng đã phát lệnh khởi công từ năm 2010. Tuy nhiên, cách làm cũng giống như hiện nay, giao cho Ngân hàng BIDV thu xếp vốn để triển khai, dự kiến năm 2012 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó BIDV không thu xếp được vốn. Đến năm 2015, Bộ GTVT tái khởi động, liên danh BOT thực hiện dự án gồm 5 nhà đầu tư và dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa làm gì.

Có sự yếu kém trong tham mưu?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - đoàn Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra lý do chậm thực hiện Dự án Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận do thiết kế trong giai đoạn trước có một đoạn thắt cổ chai. “Phó Thủ tướng có thấy đây là sự yếu kém của ngành chuyên môn trong công tác tham mưu. Nhiệm kỳ vừa rồi xây dựng, nhiệm kỳ này chúng ta sửa đổi, làm kéo dài dự án và sự kéo dài này sẽ kìm hãm sự phát triển của những dự án đầu tư ở những vùng đó”, đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị lãnh đạo Chính phủ cho biết giải pháp để khắc phục sự yếu kém này trong thời gian tới, khi triển khai các dự án khác.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Kim Bé, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chậm, vấn đề này Chính phủ thấy có sự yếu kém trong công tác tham mưu. Khó khăn hiện nay là do thu xếp vốn và sẽ sớm khắc phục điểm này.

Phó Thủ tướng khẳng định dự án Trung Lương – Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ 1 phần từ nguồn thu của đường Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tinh thần đã là dự án BOT thì nhà đầu tư phải là nhà đầu tư có lực, có tiềm năng để tham gia và Chính phủ cũng sẽ minh bạch cơ chế thực hiện dự án BOT này. Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, ngành cùng nhau tìm ra mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công trình rất quan trọng này, để hoàn thành trước năm 2020.

Chuyên đề