Đa dạng hóa nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

(BĐT) -  Việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... giúp tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án.
Các dự án giao thông tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2012 – 2015. Ảnh: Tiên Giang
Các dự án giao thông tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2012 – 2015. Ảnh: Tiên Giang

Bộ đứng đầu về cải cách thể chế, cải cách hành chính; huy động được nhiều nguồn lực nhất ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông… là những thành tựu nổi bật của ngành Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tại Hội nghị “Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016” diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 4/1.

Tiết giảm hơn 57 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, từ năm 2012 - 2015, Bộ GTVT đã tập trung bố trí vốn để trả nợ khối lượng hoàn thành, dành vốn đối ứng cho các dự án ODA, các dự án hoàn thành dứt điểm trong năm kế hoạch để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư, đổi mới việc phân bổ vốn theo kế hoạch trung hạn 2011 - 2015, bảo đảm không dàn trải, không phát sinh nợ đọng. Việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... giúp tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã ưu tiên thu hút mạnh mẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA bằng việc quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án ODA đã ký kết, tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã thu hút, ký kết được 6.241 triệu USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã ký kết được đến nay là 18.460 tỷ USD cho 133 dự án).

Cùng với đó, ngành GTVT cũng đã thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay).

Về công tác đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng Quốc lộ 1, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đối với các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đến nay, 11/11 dự án do Bộ GTVT quản lý đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra.

Hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2016

Về kế hoạch của ngành GTVT năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong năm 2016, Ngành sẽ hoàn thành cổ phần hóa, chuyển đổi 37 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, thực hiện cổ phần hóa 07 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý tài chính.

Trong năm 2016, ngành GTVT cũng sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 80.993 tỷ đồng. Trong đó, vốn có nguồn gốc NSNN khoảng 48.993 tỷ đồng, vốn ngoài NSNN khoảng 32.000 tỷ đồng (giá trị giải ngân).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để triển khai thành công nhiệm vụ trong năm 2016, kế hoạch 2016 - 2020, Bộ GTVT trước hết phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành, mà cụ thể là thể chế, cơ chế, chính sách. Đưa lĩnh vực GTVT hoạt động thị trường hơn, hội nhập tốt hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; huy động nhiều hơn nữa nguồn lực cho đầu tư phát triển; tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chuyên đề