Còn nhiều cơ hội để giảm phí BOT đường bộ

Cơ hội giảm phí dựa trên cơ sở các khoản dự phòng khối lượng, lãi vay không sử dụng hết do tiết kiệm và rút ngắn được thời gian thi công tại các dự án BOT.     
Trạm thu phí Bàn Thạch hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả
Trạm thu phí Bàn Thạch hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra tại Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 – 2015 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Khẳng định việc tôn trọng các điều khoản của hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, nhưng vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.

Ví dụ rõ nhất là tại dự án BOT mở rộng QL1 đoạn phía Nam tỉnh Khánh Hòa, chi phí thực tế tính đến thời điểm thanh tra so với chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án chênh lệch giảm 1.282,16 tỷ đồng, chủ yếu là do không phải sử dụng chi phí dự phòng, giảm lãi vay ngân hàng và chi phí bồi thường GPMB. Cụ thể: chi phí xây dựng giảm 18,555 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) giảm 201,827 tỷ đồng, chi phí dự phòng chưa sử dụng đến (652,54 tỷ đồng), lãi vay giảm 280,921 tỷ đồng và hoàn thuế GTGT 128,316 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc không sử dụng đến chi phí dự phòng của Dự án một phần nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã ổn định được nền kinh tế vĩ mô (lãi vay giảm và ổn định, chỉ số CPI ở mức thấp và trực tiếp là chỉ số giá vật liệu xây dựng thấp...), đồng thời cho thấy những biện pháp chỉ đạo của Bộ GTVT (như cắt giảm quy mô đầu tư, lựa chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý, tiết kiệm...) là phù hợp, công tác quản lý chi phí chặt chẽ, kiểm soát việc sử dụng chi phí dự phòng của nhà đầu tư... đã mang lại lợi ích cho xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cụ thể là tổng chi phí đầu tư thực tế giảm so với TMĐT được duyệt ban đầu.

“Thời gian thu phí hoàn vốn dự án sẽ được xác định, điều chỉnh lại trên cơ sở giá trị quyết toán được Bộ GTVT thoả thuận theo đúng quy định của Hợp đồng BOT đã ký. Giá trị quyết toán dự án này phải được xác nhận bởi kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước để tránh thất thoát”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Hiện Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư BOT khẩn trương hoàn thành công tác các dự án để chốt lại phương án tài chính.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2016, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã đồng chủ trì cuộc họp về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Theo nội dung cuộc họp, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã thống nhất chủ trương giảm mức thu phí đối với các phương tiện thuộc nhóm 4, nhóm 5.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm; 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống còn lại là UBND tỉnh quản lý.

Trong số các trạm thu phí trên quốc lộ, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km (8 trạm thu phí hoàn vốn cho các công trình đặc thù cầu lớn, hầm đường bộ; 4 trạm có thể bố trí với khoảng cách lớn hơn 70 km nhưng phải điều chỉnh vị trí để tránh khu dân cư; 2 trạm điều chỉnh theo đề nghị của địa phương; 6 trạm do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách); một số dự án triển khai trước khi điều chỉnh có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án. Các trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí được Bộ GTVT thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.

Chuyên đề