Cổ phần hóa doanh nghiệp ngành công thương: Nhà đầu tư còn nhiều nghi ngại

(BĐT) - Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và riêng trong năm 2015 thực hiện cổ phần hóa 7 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ngành công thương chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần. Ảnh: LTT
Các doanh nghiệp ngành công thương chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần. Ảnh: LTT

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch 2016 - 2020. 

Chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài

Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, trong số 7 DN thực hiện cổ phần hóa năm 2015 có 3 tổng công ty và 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Đối với các tổng công ty, đến nay Bộ Công Thương đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến sẽ thực hiện cổ phần hóa lần đầu trong quý I/2016. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 hoặc tháng 1/2016, riêng Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC, Bộ đang chỉ đạo xác định giá trị doanh nghiệp và hoàn thành cổ phần hóa trong quý I/2016.

"100% công ty đều khó khăn trong việc xác lập mô hình quản lý sau IPO như thế nào. Không thể áp tư duy của mô hình quản trị cũ sang mô hình của công ty mới sau IPO Ông Phan Đăng Tuất,  Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong 15 DN đã sắp xếp, cổ phần hóa, có 5 DN có nhà đầu tư chiến lược (chủ yếu là các tập đoàn và các tổng công ty). Phần lớn nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các DN thuộc Bộ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, hoạt động tái cơ cấu và thoái vốn của Bộ Công Thương vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc tài chính và công nợ, tài sản nên những DN còn lại chưa thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn. 

Gánh nặng từ quá khứ

Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2006 đến nay, đơn vị này đã thực hiện cổ phần hóa nhiều DN lớn, tổng tài sản vài tỷ USD với những loại hình cổ phần hóa rất đa dạng. Trong quá trình thực hiện, “khó khăn là do gánh nặng quá khứ nhiều, gồm cả con người và cơ sở vật chất”, bởi vậy, việc cổ phần hóa DNNN là không đơn giản. Bên cạnh đó, có những trường hợp sau cổ phần hóa, nhiều công nhân bị sa thải dẫn đến những khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, các văn bản, nghị định hướng dẫn thì thông thoáng và nhiều nhưng thời gian xử lý lâu. Đơn cử như việc thoái vốn khỏi những lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thì phải xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, thời gian chờ thủ tục khoảng vài ba tháng mà không xử lý xong văn bản, trong khi Chính phủ thì “sốt ruột”. Sự chậm trễ này có thể khiến DN lỡ mất thời điểm tốt nhất để thoái vốn, cổ phần hóa, lợi nhuận thu được không cao… Do đó, đại diện EVN kiến nghị, nên rà soát thời gian xử lý và trách nhiệm của công chức khi xử lý những vấn đề trên.

Tại Hội nghị, ông Phan Đăng Tuất thông tin, việc thoái vốn sau IPO cũng rất khó khăn, bởi phía nhà đầu tư nước ngoài rất cần báo cáo tài chính minh bạch và đây là chỗ vướng trong việc thực thi các chính sách. Quan trọng hơn, nhà đầu tư chiến lược cũng rất cần chế độ ưu đãi, bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư của họ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí, than khoáng sản vẫn giữ tỷ lệ nắm giữ của tập đoàn ở mức cao dẫn đến những nghi ngại cho rằng, việc cổ phần hóa thực chất không thay đổi nhiều về phương diện quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, "100% công ty đều khó khăn trong việc xác lập mô hình quản lý sau IPO như thế nào. Không thể áp tư duy của mô hình quản trị cũ sang mô hình của công ty mới sau IPO", ông Phan Đăng Tuất nêu quan điểm.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty 91 gồm Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá…

Chuyên đề