Cơ hội vàng đón “đại bàng đến đẻ trứng”

(BĐT) - Hiện uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội vàng để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn lớn.
Thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp FDI “đặt chân”. Ảnh: Lê Tiên
Thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp FDI “đặt chân”. Ảnh: Lê Tiên

Định vị lại chuỗi cung ứng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia bị tê liệt đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo sơ bộ đánh giá về “Tác động của dịch Covid-19 đến FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu” của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra nhận định, đại dịch dự kiến sẽ làm giảm 30 - 40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020 - 2021, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra, qua đại dịch Covid-19 chúng ta rút ra một bài học đắt giá. Đó chính là sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của một quốc gia nào đó.

Để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ở một số thị trường nhất định, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có động thái dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong một phát biểu mới đây, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn với chuỗi cung ứng kép. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ dùng 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Và theo ông Hirai Shinji, Việt Nam là một trong những “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp Nhật Bản “đặt chân”.

Các thông tin liên quan gần đây cũng cho thấy, các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… đang tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Đề cập về sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các tập đoàn toàn cầu, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các nhà đầu tư quốc tế đang có hoạt động tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng. Họ đang tìm những điểm đến an toàn. Và sự dịch chuyển dòng vốn của các tập đoàn kinh tế đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Hoàng, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam… 

Làm gì để “đại bàng đến đẻ trứng”?

Trước cơ hội mới đón dòng vốn tái định vị sản xuất của các tập đoàn quốc tế đang dịch chuyển hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có cơ hội đón đầu dòng vốn này. Việt Nam cần tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút FDI một số lĩnh vực mới chưa có nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm…

Nắm bắt cơ hội vàng nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn để thông tin về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như các ưu đãi trong thu hút FDI, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đầu tư thuận lợi trong khung khổ pháp luật. Đồng thời, trong quá trình được giao xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hiện nay, Bộ KH&ĐT cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp để đề xuất nội dung sửa đổi phù hợp nhằm đón làn sóng đầu tư này”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhìn nhận: “Triển vọng đầu tư FDI vào Việt Nam sau đại dịch Covid -19 là rất lớn. Chúng tôi cố gắng biến cơ hội thành hiện thực để đảm bảo sử dụng nguồn FDI thúc đẩy phát triển đất nước hữu hiệu nhất”. Thứ trưởng chia sẻ, suốt thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã có những quan sát, đánh giá về dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, từ đó cố gắng tham mưu để Việt Nam có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, qua đó ngày càng đón được dòng vốn FDI chất lượng, hiệu quả.

“Năm 2019 chúng ta có một nghị quyết của của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở quan trọng để việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này tạo điều kiện thuận lợi nhất để “đại bàng đến đẻ trứng””, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Chuyên đề