Cơ chế đặc thù phải tạo được nguồn lực phát triển

(BĐT) - Gần đây, TP.HCM đã đề xuất cơ chế đặc thù thông qua xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố. Một số địa phương khác cũng đang mong muốn được áp dụng cơ chế đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Vậy, cơ chế đặc thù là gì và sẽ tác động tới các địa phương ra sao? 

Tác động từ cơ chế đặc thù

Theo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 (NQ11) và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Thành ủy Hà Nội cho biết, 2 văn bản này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, định hướng để xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế…

Nhờ đó, trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng...

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc sau 5 năm thực hiện NQ11 và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô như: Kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải…  Một số nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô chưa được hướng dẫn, ban hành quy định chi tiết...

Ngoài ra, việc còn thiếu cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị của các huyện, thị xã nằm trong quy hoạch xây dựng 5 đô thị vệ tinh; việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà xuống cấp còn chậm…  dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố.

Để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ - CP và Nghị định số 112/2015/NĐ - CP một cách căn bản, toàn diện, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.

Theo đó, Dự thảo Nghị định đang được trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Tiếp theo Hà Nội, mới đây, TP.HCM cũng trình xin ý kiến UBTVQH Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố. Những chính sách được 2 “đầu tàu kinh tế” này đề xuất nếu được thông qua sẽ giúp địa phương chủ động khai thác, sử dụng nguồn lực theo thẩm quyền, thúc đẩy Thành phố phát triển. 

Chính sách phải tạo đột phá, tăng nguồn lực

Liên quan tới dự thảo Nghị định của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô Hà Nội, cần ban hành Nghị định mới, nhưng phải đúng luật, đúng thẩm quyền và phải tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cùng với cơ chế tài chính thì Chính phủ nên nghiên cứu cơ chế phân cấp, phân quyền cho hợp lý và đúng với quy định pháp luật, tạo sự năng động, nhạy bén và chủ động cho Thủ đô Hà Nội trong thực hiện. Đặc biệt, cần nghiên cứu không làm cho Hà Nội thiệt hơn so với hiện hành, nếu làm cho nguồn lực phát triển bị thu hẹp thì không cần thiết phải ban hành Nghị định mới.

Đối với Dự thảo Nghị định của TP.HCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH nhận thấy TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Do vậy, cần có chính sách đặc thù để phát triển. Song, ông Hiển đề nghị, những chính sách này phải có điểm mới và tăng thêm được nguồn lực cho Thành phố để thực hiện được nhiệm vụ kinh tế, chính trị, trở thành trung tâm kinh tế của cả nước.

Chuyên đề