Chuyển nhượng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Chờ cụ thể hóa khoản hỗ trợ hàng trăm triệu USD

Việc chuyển nhượng một phần Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài chưa có nhiều tiến triển sau gần 2 năm triển khai.
Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ảnh: Bảo Như
Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ảnh: Bảo Như

Theo thông tin từ Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), tính đến cuối tháng 4/2016, bên cạnh nhóm nhà đầu tư đến từ Ấn Độ do IL&FS Transportation Networks Limited đứng đầu, cũng đã có thêm một số nhà đầu tư khác quan tâm tới việc chuyển nhượng tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện nhóm nhà đầu tư Ấn Độ đã hoàn tất công việc kiểm tra, rà soát về mặt pháp lý và tài chính đối với Dự án. Hai đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ này là Baker & McKenzie (Việt Nam) và Pricewaterhouse Coopers Việt Nam.

“Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều chưa đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng, các cam kết hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi cho biết.

Trước đó, vào tháng 10/2014, Vidifi và nhóm các nhà đầu tư thỏa thuận đã cùng thành lập một pháp nhân mới (theo hình thức công ty cổ phần) tại Việt Nam để tiếp nhận lại hợp đồng BOT và dự án. Trước mắt, Vidifi góp 51% bằng số chủ sở hữu đã đầu tư vào công trình; nhóm các nhà đầu tư góp 49% bằng tiền mặt. Tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư trong doanh nghiệp dự án sẽ tăng lên 70% trong giai đoạn ký kết chính thức.

Ngoài công ty cổ phần nói trên, các bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục góp vốn với tỷ lệ tương tự tại một doanh nghiệp có nhiệm vụ vận hành và bảo trì trong toàn bộ thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT.

Để chi trả cho việc chuyển nhượng này, công ty cổ phần sẽ thanh toán cho Vidifi một khoản tiền tương ứng với phần vốn chủ sở hữu và những chi phí liên quan đã bỏ ra cho Dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, để đảm bảo việc hợp tác, nhóm các nhà đầu tư đã đặt cọc 2 triệu USD để đảm bảo việc hợp tác sau khi ký kết hợp đồng nguyên tắc bằng hình thức thư bảo lãnh do Bank of India phát hành.

Đại diện Vidifi cho biết, rào cản lớn nhất của thương vụ chuyển nhượng một phần tuyến cao tốc dài 105 km, trị giá 2 tỷ USD này là việc chậm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho Dự án tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện nhà đầu tư vẫn chưa được bố trí nguồn vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa có quyết định chính thức về các khoản chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp đối với khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức và 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Được biết, với việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh và lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khá sát với thực tế, Vidifi từng hy vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán với đối tác trước quý I/2016.

Cần phải nói thêm rằng, để có thể đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là 45.487 tỷ đồng, Vidifi đã đề nghị một gói cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm 9 điều kiện được đánh giá là cần và đủ.

Trong số này, nổi bật nhất là việc Vidifi đề nghị Chính phủ cho phép tái cơ cấu khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án.

Đây cũng chính là cơ chế hỗ trợ đã có tiền lệ khi được áp dụng trong quá trình tái cơ cấu 5 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép Vidifi áp dụng (Thông báo 197/TB-VPCP).

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tương tự các dự án hạ tầng giao thông khác, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội, nhưng để đảm bảo tính khả thi về tài chính, nên cần sự hỗ trợ một phần của Nhà nước.

“Vidifi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến với các bộ, ngành liên quan sớm có quyết định thực hiện các khoản hỗ trợ để việc đàm phán chuyển nhượng được thuận lợi”, ông Tỉnh đề xuất.

Chuyên đề