Chữa “bệnh đội vốn” dự án nhóm A

(BĐT) - Các quy định còn bất cập trong Luật Đầu tư công hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu, đề xuất sửa đổi. 
Tình trạng các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A bị “đội vốn” khá phổ biến trong thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A bị “đội vốn” khá phổ biến trong thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên

Do tính cấp bách của vấn đề, nhiều nội dung quan trọng như tiêu chí phân loại dự án nhóm A, việc kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công… đang được đề xuất phải sửa đổi kịp thời nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho đầu tư công trong bối cảnh nợ công đã chạm đỉnh.

Gỡ vướng thủ tục cho dự án nhóm A

Những bất cập trong tiêu chí phân loại dự án nhóm A là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư công thời gian qua bị chậm trễ. Đây cũng là vướng mắc của nhiều địa phương trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn. Theo quy định của Luật, dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh thuộc “nhóm A”, không phân biệt tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, quy định này đang đẩy nhiều địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế, Quảng Nam vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi mà rất nhiều dự án trên địa bàn các tỉnh này có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng vẫn phải trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Chưa kể, các dự án này còn chịu sự điều chỉnh của các luật khác như: Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường..., nên thủ tục đầu tư rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý xem xét, phê duyệt.

Bất cập này đang được Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế, theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Các quy định liên quan tới việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm cũng sẽ được sửa đổi nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo quy định hiện hành, thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Quy định này được xây dựng do tính chất đặc thù của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong một số trường hợp do nguyên nhân khách quan như vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng không thể giải ngân được vẫn có thể kéo dài sang năm sau để tiếp tục giải ngân. Những tưởng quy định như vậy là tạo thuận lợi, nhưng thực tế lại làm nảy sinh tình trạng đầu năm ngồi chơi, cuối năm mới lo giải ngân. Vốn đầu tư công giải ngân quá chậm trong năm 2016 và 2017 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.

Để tránh tình trạng này, Bộ KH&ĐT đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng chỉ cho phép thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm kéo dài đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Đảm bảo sai số ít nhất trong quá trình thực hiện dự án

Ngoài các đề xuất sửa đổi nêu trên, quy định nội dung chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia cũng đang được đề xuất sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.

Theo Bộ KH&ĐT, đặc thù của lập và thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công là phải rất chú trọng đến đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và sự phù hợp với chiến lược phát triển. Do vậy, việc áp dụng quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A dựa trên lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định chung cho các dự án xây dựng, không phân biệt nguồn vốn là không phù hợp.

Bộ KH&ĐT đề xuất quy định tại Luật Đầu tư công nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi áp dụng cho dự án đầu tư công phải đặc biệt lưu ý đến các vấn đề như lập, đánh giá, thẩm định và đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, tổng mức đầu tư dự kiến, kế hoạch triển khai và kế hoạch sử dụng vốn để bảo đảm cho các dự án đầu tư công được thực hiện với mức “sai số” có thể chấp nhận được trong toàn bộ quá trình từ phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đến thực hiện dự án.

“Quy định như vậy là để khắc phục tình trạng dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, bị “đội vốn” hoặc gặp các vướng mắc khác không đúng với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt”, Bộ KH&ĐT luận giải.

Liên quan đến các dự án nhóm B và nhóm C có cấu phần xây dựng nhưng nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa bao gồm các quy định về phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, hoặc thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật, trong khi đây là những nội dung rất cơ bản của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ đề xuất bổ sung phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp theo quy định của pháp luật vào nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.

Dù tất cả mới chỉ là đề xuất, song nếu được chấp thuận, các chuyên gia cho rằng, những sửa đổi nói trên sẽ tạo thuận lợi trong đầu tư các dự án và giúp cơ quan quản lý giám sát chặt hơn việc đầu tư bằng nguồn vốn công.

Chuyên đề