Chậm giải ngân vốn nước ngoài do tính sẵn sàng của dự án thấp

(BĐT) - Trong nhiều trường hợp, dù dự án được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm dẫn đến chậm giải ngân vốn nước ngoài. Đây là điểm vướng của nhiều đơn vị, địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đây là nguyên nhân chủ quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng chậm giải ngân vốn đầu tư nước ngoài có nguyên nhân chủ quan từ tính sẵn sàng của dự án thấp. Ảnh: L.H
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng chậm giải ngân vốn đầu tư nước ngoài có nguyên nhân chủ quan từ tính sẵn sàng của dự án thấp. Ảnh: L.H

Tại Hội nghị trực tuyến Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 ngày 13/9, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, vướng mắc khi triển khai dự án tức là do khâu sẵn sàng cho dự án thấp, đây là do chủ quan”.

Báo cáo được Bộ Tài chính phát ra tại Hội nghị đã khái quát khá rõ tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 8 tháng qua.

Cụ thể, cập nhật đến thời điểm 31/8/2019, số chi cấp phát từ nguồn đầu tư phát triển đã giải ngân 6.408 tỷ đồng, đạt khoảng 10,7% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Chi thường xuyên 8 tháng, chính quyền địa phương đã giải ngân khoảng 247 tỷ đồng, đạt hơn 1,4%; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải ngân 8.894 tỷ đồng, đạt 33,9% hạn mức giải ngân cho vay lại.

Cuối tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ để đánh giá tình hình, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 8270/BTC-QLN ngày 8/7/2019 báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài 6 tháng đầu năm, kiến nghị các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 2/8/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, việc giải ngân các nguồn vốn này đến nay vẫn khá chậm.

Tổng trị giá kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài đã được Quốc hội thông qua cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là 360 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân các năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt.

Năm 2016, số giải ngân quyết toán là 46.232 tỷ đồng, đạt 92,46% so với dự toán được Quốc hội giao. Năm 2017, số giải ngân quyết toán là 57.344 tỷ đồng, đạt 77,45% so với dự toán được Quốc hội giao. Năm 2018, số giải ngân đã ghi thu ghi chi là 33.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 56% so với dự toán được Quốc hội giao.

Như vậy, đối với giai đoạn 2016 - 2018 tổng vốn đầu tư công Quốc hội giao là 184.033 tỷ đồng, trong đó Chính phủ đã giao 175.118 tỷ đồng. Tổng vốn đã thực hiện mới đạt 137.176 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 74,53% so với dự toán được Quốc hội giao.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg.

rong quá trình đánh giá 1 năm triển khai Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ đồng thời rà soát và đánh giá việc thực hiện các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA và vay nước ngoài của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng tổ chức tuyên truyền để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước khẩn trương triển khai Nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước ngay sau khi Chính phủ ký ban hành; tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.

Chuyên đề