Cầu Văn Lang nối Phú Thọ và Hà Nội được thông xe

Cầu Văn Lang (hay là cầu Việt Trì - Ba Vì) giúp người dân sống hai bên bờ sông Hồng không còn phải đi phà qua sông.
Cầu Văn Lang dài 1,5 km chưa kể đường dẫn hai bên đầu cầu.
Cầu Văn Lang dài 1,5 km chưa kể đường dẫn hai bên đầu cầu.

Ngày10/10, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã phát lệnh thông xe cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng. Dự án có điểm đầu kết nối với quốc lộ 32 thuộc xã Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội), điểm cuối giao với quốc lộ 32C thuộc phường Thọ Sơn (TP Việt Trì, Phú Thọ). Chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu là 9,4 km, trong đó cầu vượt sông dài 1,5 km.

Tại lễ thông xe, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cho biết do nguồn vốn ngân sách hạn chế nên các công trình hạ tầng phải huy động vốn xã hội hóa. Cầu Văn Lang là một trong những công trình được đầu tư hình thức BOT, được sự đồng thuận cao của bà con trong khu vực.

"Trước đây, người dân Ba Vì muốn đi Phú Thọ phải đi vòng rất xa song nay được đi qua sông rất nhanh chóng. Cây cầu giúp bà con đi lại làm ăn, thông thương kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Hà Nội, Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc", ông Thể nhấn mạnh.

Thông cầu Văn Lang, người dân ở Ba Vì và Việt Trì dọc theo sông Hồng không phải chờ phà hàng giờ để vượt sông. Thời gian đi ôtô từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến TP Việt Trì sẽ chỉ hơn một giờ, giảm một nửa so với trước.

Dự án cầu Văn Lang có tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ là nhà đầu tư. Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư đã dựng trạm thu phí tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) và mức phí thấp nhất với ôtô là 35.000 đồng, với thời gian thu phí 19 năm 10 tháng.

Sáng cùng ngày, tại Hòa Bình, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ thông xe, khánh thành tuyến đường nối từ Hòa Lạc đi TP Hòa Bình sau hơn 4 năm thi công.

Chuyên đề