Cầu Cát Lái và Cần Giờ: Đánh thức tiềm năng liên vùng

(BĐT) - Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép bổ sung quy hoạch cầu Cát Lái thay thế bến phà Cát Lái, nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và cầu Cần Giờ bắc qua sông Soài Rạp, kết nối từ huyện Nhà Bè với đường Rừng Sác ở Cần Giờ của TP.HCM hứa hẹn sẽ tạo ra một bước đột phá cho khu vực này.
Cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái sẽ tăng cường kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: Lê Tiên
Cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái sẽ tăng cường kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: Lê Tiên

Rút ngắn cự ly

Ngoài việc đồng ý về mặt chủ trương cho xây dựng hai cây cầu nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung hai dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020.

Theo đề xuất của UBND TP.HCM, Dự án Cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km, trong đó cầu Cát Lái có chiều dài khoảng 3,4 km, với tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe, được thiết kế theo kiểu dây văng. Còn Dự án Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 16 km, kết nối với đường Rừng Sác - Cần Giờ, trong đó cầu Cần Giờ cũng có chiều dài 3,4 km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền là 55 m.

UBND TP.HCM cho biết, cầu Cát Lái góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Đồng Nai và một số tỉnh thành lân cận. Trong khi đó, cầu Cần Giờ sẽ rút ngắn cự ly từ trung tâm TP.HCM đến xã đảo Cần Giờ, giảm bớt rủi ro so với việc đi lại bằng phà như hiện nay, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ và Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Được biết, Dự án Cầu Cát Lái có tổng kinh phí đầu tư dự toán hơn 5.700 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư, riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.225 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư ước khoảng 5.303 tỷ đồng.

Chủ đầu tư là ai?

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, vào cuối tháng 3/2016, Thành ủy, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã nhận được văn bản đề xuất của liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco 1 - Đức Bình - Cái Mép về việc xem xét, chấp thuận cho phép được nghiên cứu và lập đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT. Sau đó không lâu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 cũng có đề xuất được tham gia dự án này theo hợp đồng BOT.

Đối với Dự án Cầu Cần Giờ, đầu tháng 2/2015, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đã đề xuất lên UBND TP.HCM phương án xây dựng dự án này theo phương thức BT bằng cách đổi đất ở Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Nếu giá đất không đủ với số vốn đã bỏ ra, TP.HCM sẽ trả bằng tiền hoặc quỹ đất khác có giá trị tương đương. Cũng cần nói thêm, Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Trong đó, Vingroup là một trong những cổ đông lớn tham gia dự án lấn biển này.

Bình luận về Dự án Cầu Cát Lái, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, không những đáp ứng được việc kết nối giao thông liên vùng, cầu Cát Lái còn phục vụ một cách thiết thực nhu cầu dân sinh, đặc biệt là việc giãn dân của TP.HCM ra các khu đô thị mới ở Nhơn Trạch. Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý là việc bố trí giao thông của cây cầu này nên giống như cầu Phú Mỹ, tức cho phép lưu thông hỗn hợp để đáp ứng cùng lúc các phương tiện qua lại, nếu không sẽ hạn chế tính hiệu quả của Dự án. Còn với cầu Cần Giờ, một chuyên gia kinh tế dự báo: trong tương lai gần, xã đảo Cần Giờ sẽ có sự bứt phá mạnh. Đây sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là ở lĩnh vực bất động sản và du lịch sinh thái.

Chuyên đề