Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thêm 1.200 tỷ đồng làm đường gom: Dân bức xúc, chủ đầu tư càng... thêm lợi

Sau nhiều dư luận bức xúc về việc đường chưa đủ tiêu chuẩn vẫn được công nhận là cao tốc và thu phí, Bộ GTVT cùng nhà đầu tư đang lên kế hoạch xây dựng đường gom trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua Bắc Ninh, với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang sắp phải đầu tư thêm 1.200 tỷ đồng để làm đường gom cho xe máy.  Ảnh: Ngọc Hải
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang sắp phải đầu tư thêm 1.200 tỷ đồng để làm đường gom cho xe máy. Ảnh: Ngọc Hải

Thiếu “chuẩn” vẫn đạt chuẩn

Thời gian qua, dư luận xã hội, đặc biệt là người tham gia giao thông tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng dù thiếu đường gom, không đủ điều kiện kỹ thuật, tuyến đường BOT Hà Nội - Bắc Giang vẫn được công nhận là cao tốc và cho thu phí.

Trên thực tế, tuyến đường này chỉ được cải tạo, nâng cấp từ QL1 cũ, không mở rộng diện tích lưu thông, chưa có đường gom dành cho xe máy và phương tiện thô sơ khác. Trong các điều kiện cần và đủ để được công nhận là cao tốc và cho thu phí thì tuyến đường này chỉ đạt mỗi tiêu chí là được thực hiện theo hình thức BOT. Từ ngày 25/5, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chính thức thu phí đường bộ, với mức thấp nhất là 35.000 đồng/xe ô tô con dưới 12 chỗ và cao nhất lên tới 200.000 đồng/xe có tải trọng lớn. Do bất bình với hiện trạng đường cũ - phí cao, nên xe tải, xe khách đua nhau tìm đường né trạm, gây không ít khó khăn cho chính quyền và người dân các địa phương khu vực Bắc Ninh, Gia Lâm (Hà Nội), nhất là nguy cơ mất ATGT.

Theo phản ánh của người dân, kể từ ngày trạm BOT Bắc Ninh đi vào thu phí, trên tuyến tỉnh lộ 295B, số lượng phương tiện xe ô tô tham gia giao thông tăng đột biến. Nhất là đoạn qua địa bàn thị xã Từ Sơn, khu vực cầu chùa Dận, đường đê xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Đặc biệt tại khu vực chùa Dận, do lượng xe né trạm dồn về đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó cách tính phí, hoạt động thu phí cũng gây nhiều bức xúc. Các phương tiện bất kể đi ngắn, đi dài đều bị thu một mức phí như nhau. Bên cạnh đó, trạm thu phí mới vận hành được một tháng, nhưng đã nhiều lần xảy ra ùn tắc. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, có những thời điểm, chỉ trong một tuần mà trạm này ùn tắc đến 2 lần, và  Tổng cục đã yêu cầu phải mở trạm cho các phương tiện đi qua.

Đội vốn nghìn tỷ đồng để "sửa sai"

Theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư đã thay toàn bộ biển hạn chế tốc độ 60km/h thành 80km/h trên QL1 đoạn qua Bắc Ninh. Bên cạnh đó, theo tính toán trước đây, dự án sẽ có lưu lượng phương tiện vào khoảng 20.000 - 24.000 xe/ngày, song thực tế hiện đạt 27.000 - 29.000 xe/ngày và dự báo còn tiếp tục tăng. Trước thực trạng thiếu đường gom đoạn qua Bắc Ninh, dẫn đến việc ô tô, xe máy phải lưu thông chung trong điều kiện tốc độ cao, lòng đường hẹp, tổ chức giao thông thiếu mạch lạc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, Bộ GTVT đã họp với chủ đầu tư và quyết định bổ sung dự án làm đường gom đoạn qua Bắc Ninh. Số tiền đầu tư làm đường gom dự kiến vào khoảng 1.200 tỷ đồng. “Mức đầu tư này sẽ được tính toán, xem xét đưa vào phương án hoàn vốn của DN. Sau khi GPMB, khoảng 3 - 6 tháng tới, chủ đầu tư sẽ xây dựng đường gom ngay. Ngoài ra, sẽ bố trí thêm 8 cửa thu phí trên tuyến để giải quyết ùn tắc tại trạm” - ông Huyện cho biết.

Vậy nhưng, trước câu hỏi có nên ngừng thu phí tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang do chưa có đường gom, chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không, ông Huyện lại cho rằng, vẫn phải thu phí theo hợp đồng để đảm bảo phương án tài chính, nếu dừng thu sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn của nhà đầu tư. Một số chuyên gia nhận định, lẽ ra ngay từ đầu, Bộ GTVT nên yêu cầu chủ đầu tư đưa hạng mục đường gom vào thiết kế. Nay vì thiếu đường gom, người tham gia giao thông bức xúc, Bộ lại hối thúc DN làm đường gom, dẫn đến đội vốn công trình. Đường chưa đạt chuẩn, chủ đầu tư vẫn được thu phí, không phải chịu trách nhiệm gì, đến khi “sửa sai” lại được thu thêm tiền. Chỉ người dân là cứ nai lưng ra gánh phí, chấp nhận vô vàn bất cập như một tất yếu của những dự án BOT “đắt mà không xắt ra miếng”.

Chuyên đề