Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Một số đoạn tuyến có điều chỉnh

(BĐT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là 51.014 tỷ đồng. 
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Nhã Chi
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Nhã Chi

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những khuyến nghị “sát sườn” trong quá trình sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước đối với “siêu dự án” này.

Nhà nước đầu tư 51.014 tỷ đồng

Bộ GTVT cho biết, Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP). Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - Mai Sơn); đã cơ bản hoàn thiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cầu Mỹ Thuận 2.

Theo kết quả cập nhật đến thời điểm hiện tại, mức vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng 51.014 tỷ đồng, đảm bảo không vượt mức vốn đầu tư của Nhà nước (55.000 tỷ đồng) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, căn cứ tình hình triển khai thực hiện, Bộ GTVT chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm 3 đoạn tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Phan Thiết - Dầu Giây. Nhóm 2 gồm 5 đoạn tuyến: Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Cả 8 dự án này, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện.

Để đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để Bộ GTVT có cơ sở phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo. 

Cân nhắc các phương án đầu tư

Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng  chiều dài tuyến của Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cơ bản không thay đổi so với Nghị quyết số 52/2017/QH14; tổng mức đầu tư và phần vốn nhà nước tham gia đầu tư không vượt mức quy định, phần vốn nhà nước tham gia đầu tư còn dư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với Nghị quyết số 52/2017/QH14, có một số đoạn tuyến có điều chỉnh. Tiêu biểu như đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 24 km, giảm 5 km so với ban đầu; tổng mức đầu tư 3.066 tỷ đồng, giảm 2.065 tỷ đồng so với ban đầu; phần vốn nhà nước đầu tư là 1.891 tỷ đồng, giảm 641 tỷ đồng so với ban đầu. Ngược lại, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 104 km, tăng 13 km so với ban đầu; tổng mức đầu tư 18.573 tỷ đồng, tăng 3.560 tỷ đồng; phần vốn nhà nước đầu tư là 12.498 tỷ đồng, tăng 5.419 tỷ đồng… Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền về những nội dung thay đổi ở các đoạn tuyến.

Bên cạnh đó, riêng đối với dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, phần vốn nhà nước tham gia đầu tư là 12.498 tỷ đồng, thuộc loại dự án quan trọng quốc gia quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT xem xét lại việc điều chỉnh quy mô các dự án thành phần. Trường hợp phần vốn nhà nước tham gia đầu tư trên 10.000 tỷ đồng thì thực hiện việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Nghị định 131/2015/NĐ-CP và Điều 30, Điều 31 của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

Trong “siêu dự án” này có 1 số dự án thành phần có tỷ lệ sử dụng phần vốn nhà nước lớn hơn 50% tổng mức đầu tư như: đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (vốn nhà nước chiếm 8.077 tỷ đồng/13.866 tỷ đồng); đoạn Nha Trang - Cam Lâm (vốn nhà nước chiếm 1.891 tỷ đồng/3.066 tỷ đồng); đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (vốn nhà nước chiếm 12.498 tỷ đồng/18.573 tỷ đồng). Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT có đánh giá về hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP so với đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống đối với các dự án thành phần có tỷ lệ sử dụng vốn nhà nước lớn hơn 50% tổng mức đầu tư. Trường hợp triển khai thực hiện theo hình thức PPP không hiệu quả hơn đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống thì Bộ GTVT nên báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chuyên đề