Cần cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển

(BĐT) - Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đã nhấn mạnh 5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển TP. Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng được xác định mục tiêu trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao.
TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển với 5 lĩnh vực mũi nhọn
TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển với 5 lĩnh vực mũi nhọn

Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết này đã từng bước giúp Đà Nẵng thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, được xem là thành phố đáng sống, là một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ các tồn tại, hạn chế. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng bắt đầu chậm lại, thậm chí còn bị bỏ lại ở một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Trước thực tế đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

So với Nghị quyết 33-NQ/TW, Nghị quyết 43 có 12 điểm mới, nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Nghị quyết số 43-NQ/TW xác định rõ mục tiêu thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực. Nhấn mạnh vào phát triển nhân lực, các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực mũi nhọn. Ngoài ra, Đà Nẵng được định hướng phải phát triển thành trung tâm kinh tế biển và chuỗi cung ứng logistic…

Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cơ bản là phải có cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Bộ Chính trị đồng ý xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất ở Đà Nẵng theo mô hình tiên tiến hiện đại; Đề án thí điểm mô hình tiên tiến hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.

Chuyên đề