Cấm nhập máy cũ, doanh nghiệp nhỏ gặp khó

(BĐT) - Nguy cơ tiếp tục tràn ngập máy móc, thiết bị kém chất lượng của Trung Quốc là điều mà giới doanh nghiệp cơ khí lo ngại khi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cũ có hiệu lực từ 1/7/2016.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lo nhập hàng rẻ, chất lượng thấp

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) lo ngại Thông tư 23 quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm sẽ giúp cho các nhà cung cấp Trung Quốc có lợi thế lớn và tạo một rào cản phát triển đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam.

Dựa theo báo cáo phân tích số liệu nhập khẩu, HAMEE cho rằng, việc quy định niên hạn không quá 10 năm đồng nghĩa với việc giảm 99% lượng máy nhập về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa các DNNVV buộc phải mua máy móc chất lượng thấp, mà đa phần từ Trung Quốc.

Số liệu thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016 với trị giá là 3,56 tỷ USD (chỉ giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Xếp sau là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Nhưng vấn đề đáng lo ngại là, đối tượng nhập khẩu máy móc, thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là các DN trong nước. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong khi khối các DN FDI nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng 2016 đã giảm đến 22,8% thì khối các DN trong nước nhập khẩu tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Khó phát triển sản xuất?

Cũng theo ông Đỗ Phước Tống, nhiều máy công cụ, thiết bị (máy cái) đã qua sử dụng hơn 10 năm có xuất xứ Nhật, EU… vận hành rất hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí về vật liệu, tiêu hao năng lượng, ổn định về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất. Nếu so sánh với việc đầu tư các máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, tuy mới sản xuất, có giá bán có thể bằng hoặc thấp hơn so máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Nhật, EU nhưng lại kém về độ bền, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Theo phân tích của giới chuyên gia, trong quy trình công nghệ sản xuất ngành cơ khí ở Việt Nam có công đoạn gia công thô và công đoạn tinh. Công đoạn gia công thô có thể dùng máy cũ, độ chính xác không cao nhưng thật cứng vững và bền bỉ. Còn công đoạn tinh phải dùng máy còn mới, độ chính xác cao và cũng còn tùy thuộc yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.

Đối với sản phẩm yêu cầu độ chính xác không cao, nếu dùng máy còn mới chính xác cao gia công là không kinh tế, không cạnh tranh được. Hoặc đối với việc gia công chế tạo các thiết bị lớn, không yêu cầu độ chính xác quá cao, nếu đầu tư máy đã qua sử dụng trên 10 năm tuổi của các nước tiên tiến thì vẫn đáp ứng yêu cầu chất lượng, chi phí đầu tư là hợp lý.

Do đó, giới chuyên gia lưu ý, cùng mức chi phí đầu tư này nếu đầu tư máy mới của Trung Quốc thì sẽ không sử dụng được lâu bền, mà nếu mua máy mới của các nước tiên tiến thì chi phí quá cao. Cả 2 trường hợp này, đầu tư đều không hiệu quả và các DN cơ khí sẽ không đầu tư, vì vậy sẽ không phát triển được sản xuất.

Chuyên đề