Các dự án điện miền Nam lo cân đối vốn

(BĐT) - Các dự án lưới điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam trong 5 năm tới đang gặp thách thức trong vấn đề cân đối vốn đầu tư.
13 công trình cấp điện nông thôn ở phía Nam đang được đề xuất phân bổ vốn. Ảnh: Tiên Giang
13 công trình cấp điện nông thôn ở phía Nam đang được đề xuất phân bổ vốn. Ảnh: Tiên Giang

Thách thức thu xếp vốn

1.353 tỷ đồng là số vốn mà Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) mới đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ phân bổ từ ngân sách nhà nước trong năm 2016 nhằm thực hiện 13 công trình dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Tổng công ty này còn kiến nghị cấp thêm 60 tỷ đồng để hoàn thành dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer ở Kiên Giang trong năm 2016.

Ngoài ra, EVNSPC còn kêu gọi EVN tiếp tục thu xếp nguồn vốn tài trợ ODA để phân bổ cho các dự án đầu tư trong thời gian tới, như: vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) giai đoạn 3 để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thành phố, thị xã; vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thực hiện các dự án nâng cao độ tin cậy lưới điện (N-1)…

Năm 2016, dự báo công suất sử dụng lớn nhất của Tổng công ty Điện lực miền Nam  sẽ lên đến 8.450 MW, tăng 9,98% so với năm 2015, nhu cầu tiêu thụ điện cao liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2016.
Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Văn Hợp cho biết, EVNSPC sẽ đảm bảo việc cân đối tài chính huy động tất cả các nguồn vốn đầu tư như: vay ODA, ngân sách nhà nước cấp, vay tín dụng trong nước, vốn ứng của khách hàng… để đầu tư phát triển lưới điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 21 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam.

Thực tế cho thấy, nguồn điện ở phía Nam vẫn thiếu và chưa ổn định. Dự phòng công suất ở mức thấp nên tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu một số thời điểm trong năm 2016. Một số khu vực như Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, lưới điện đang hoạt động trong tình trạng đầy tải, cần phải đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động các trạm 220 kV Mỹ Xuân, Bà Rịa, Hàm Tân, Mõ Cày…

Năm 2016 dự báo công suất sử dụng lớn nhất của EVNSPC sẽ lên đến 8.450 MW, tăng 9,98% so với năm 2015, nhu cầu tiêu thụ điện cao liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2016.

Để đảm bảo cấp điện tại miền Nam trong năm nay, ông Nguyễn Văn Hợp cho biết sẽ khởi công xây dựng 3 công trình lưới điện 220 kV và 151 công trình lưới điện 110 kV (bao gồm 38 công trình chuyển tiếp của năm 2015 và 113 công trình khởi công mới). Trong đó, đóng điện đưa vào vận hành 115 công trình với tổng khối lượng là 1.432 km đường dây 110 kV và tổng công suất tăng thêm là 2.493 MVA.

Ngoài ra, Tổng công ty này cũng triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án lưới điện phân phối với tổng khối lượng đầu tư gồm: 7.567 km đường dây trung thế, 11.733 km đường dây hạ thế và tổng công suất trạm phân phối là 1.008 MVA.

Thế nhưng, theo EVNSPC, công tác giải phóng mặt bằng các công trình đầu tư xây dựng lưới điện vẫn còn gặp khó khăn do lệ thuộc lớn từ địa phương, năng lực của tư vấn, nhà thầu hạn chế.

Lãnh đạo EVNSPC cũng nhận định việc cân đối nguồn vốn và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư các dự án điện ở miền Nam là một thách thức lớn. Nhất là sau khi EVN giao việc đầu tư cho 2 xã đảo ở tỉnh Kiên Giang, 4 trạm 220 kV và đặc biệt là nguồn vốn cho các dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, Dự án cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ.               

Vướng thẩm định, phê duyệt

Năm 2015, theo kế hoạch EVN giao cho EVNSPC còn 38 công trình chưa khởi công được và 16 công trình chưa hoàn tất đóng điện.

Trong vấn đề này, điểm vướng chủ yếu là phải trình lại Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (BCNCKT) nên mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư. Mặt khác, do nhà tài trợ chậm thông qua kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KFW, JICA) và địa phương giải quyết chậm việc thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC).

Theo Điểm a Khoản 3 Điều 10 và Điểm a Khoản 1 Điều 25 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Bộ Công Thương sẽ chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở, dự toán tất cả các dự án từ cấp III do các tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư. Việc này sẽ kéo dài thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Chính vì vậy, EVNSPC kiến nghị Bộ Công Thương giao cho người quyết định đầu tư dự án của EVNSPC, các công ty điện lực tự tổ chức thẩm tra thiết kế cơ sở và tự thẩm tra các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của các dự án, công trình điện.

Cụ thể là các công trình đầu tư xây dựng mới lưới điện thuộc dự án nhóm B, C đã có trong Quy hoạch điện được Bộ Công Thương phê duyệt và các công trình sửa chữa, cải tạo lưới điện thuộc dự án nhóm B, C, bao gồm nâng công suất, cải tạo trạm biến áp, phân pha dây dẫn.                       

Chuyên đề